Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam
Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi Việt Nam là điểm đến tiềm năng, với nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh bền vững.

Ông Ogata Haruhisa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Máy văn phòng Kyocera Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP, Hải Phòng) cho biết: Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn, Công ty vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 130% so với kế hoạch. Thời gian tới, Tập đoàn Kyocera dự kiến sẽ chuyển một số dây chuyền, nhà xưởng sang Việt Nam để mở rộng hoạt động sản xuất. Doanh thu năm 2025 dự kiến tăng khoảng 10% so với năm trước.
Cũng đang đầu tư tại TP. Hải Phòng, Tập đoàn Mitsui O.S.K. Lines (Nhật Bản) - một trong những hãng tàu biển lâu đời, có quy mô toàn cầu, cũng đưa ra những đánh giá tích cực. Ông Norio Abe - Giám đốc điều hành cho biết, hiện Tập đoàn đang triển khai Dự án Kho hóa chất MVG tại tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, liên doanh với Công ty HTM, GoldenLink và VISECO. Tập đoàn Mitsui O.S.K. Lines cũng đã đề xuất với UBND TP. Hải Phòng về việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, cụ thể là Dự án Khu công nghiệp Cầu Cựu (huyện An Lão).
Tại TP. Hải Phòng, đầu năm 2025, Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng giai đoạn 2 chính thức được phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 197,16 ha, tổng vốn gần 2.783 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, Dự án kỳ vọng tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư, đặc biệt từ Nhật Bản. Trong giai đoạn 1 của Dự án này, quy mô diện tích 153 ha đã được lấp đầy với tỷ lệ 100%, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, trên địa bàn Thành phố có hơn 150 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,23 tỷ USD - chiếm khoảng 20,4% tổng vốn FDI, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong đó, có nhiều dự án tiêu biểu như: Bridgestone (1,22 tỷ USD), Rorze Robotech International (426 triệu USD), Shin Etsu (442,25 triệu USD), Kyocera (425 triệu USD)… Các dự án này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thiết bị cơ khí, nồi hơi, máy điện, thiết bị điện, sản phẩm plastic và cao su, đặt tại các khu công nghiệp như: Nhật Bản - Hải Phòng, VSIP, tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C.
Hiện nay, TP. Hải Phòng cũng đang tích cực triển khai xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam với định hướng phát triển thành khu kinh tế sinh thái, phù hợp xu hướng quốc tế về môi trường - xã hội - quản trị. Khu vực này sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù, trong đó có Khu thương mại tự do.
TP. Hải Phòng kỳ vọng các nhà đầu tư Nhật Bản nhận thấy sự thay đổi tích cực trong môi trường đầu tư, từ đó lựa chọn thành phố cảng là điểm đến chiến lược, góp phần tạo đà cho những quyết định đầu tư dài hạn.
Không chỉ tại TP. Hải Phòng, tại nhiều tỉnh, thành khác của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh khá tích cực. Thông tin từ "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024", với sự tham gia của 5.007 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, cho thấy, tại Việt Nam, có 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, cao nhất khu vực ASEAN. Ngoài ra, 50,4% doanh nghiệp nhận định triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025 sẽ cải thiện so với năm 2024.
Những con số cho thấy, Nhật Bản tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo thống kê từ Cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2024 đạt 46,20 tỷ USD, tăng 2,77% so với năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,61 tỷ USD, tăng 5,55% so với năm 2023 và ghi nhận mức xuất siêu 1,23 tỷ USD.
Tính đến tháng 3/2025, các nhà đầu tư Nhật Bản đã triển khai 5.557 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 78,6 tỷ USD.
Trong tổng số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ở Việt Nam, Nhật Bản đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Singapore. Nguồn vốn FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Canon, Yamaha. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực như năng lượng, thương mại - dịch vụ, giáo dục và bất động sản.