Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Thu Dịu

Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng, xung đột giữa các cường quốc kinh tế, và hàng loạt rào cản kỹ thuật mới đang khiến hoạt động giao thương và mở rộng thị phần của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp

Thông tin tại Diễn đàn CEO năm 2025 với chủ đề: “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 21/5, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018 không chỉ là vấn đề song phương, mà đã lan rộng và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ cuối năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều rào cản thuế mới, và trong các năm 2024 và 2025, các thách thức này tiếp tục gia tăng. Các quốc gia (Hoa Kỳ, Trung Quốc…) cũng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại và thuế đối ứng. Các nước lớn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm biện pháp truyền thống (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ thương mại), cũng như các biện pháp bổ sung (kiểm soát đầu tư, cấm vận công nghệ, kiểm tra chặt chẽ kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu)…

Tiếp theo là các rào cản phi thuế quan mới: Thị trường thiết lập rào cản phi thuế mới như xanh hóa, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động EU triển khai CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) gây ảnh hưởng đến các ngành thép, xi măng, phân bón, nhôm. Hoa Kỳ thi hành Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức Tân Cương (UFLPA) khiến hàng dệt may, da giày Việt Nam gặp rủi ro truy xuất chuỗi cung ứng.

Sự phụ thuộc FDI khiến xuất khẩu thiếu tự chủ, doanh nghiệp nội địa cần được nâng cao sức chống chịu trước thuế đối ứng. Việt Nam đang đối mặt với áp lực không chỉ về thuế đối ứng mà còn có các yếu tố địa chính trị, trong bối cảnh thương mại lệch pha, nghi ngờ trung chuyển và cạnh tranh từ các quốc gia khác; thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ dễ gây áp lực chính trị – thương mại; biến động tỷ giá, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng niềm tin thị trường.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bày tỏ về những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sức đề kháng của doanh nghiệp đang bị bào mòn. Làn sóng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm 2022-2024 và trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024. Đây không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn, mà liên tục. Tất nhiên quá trình kinh doanh có sàng lọc thị trường, nhưng số lượng rút lui hàng trăm ngàn và liên tục thể hiện sức sống, sức chống chịu với thị trường.

Theo khảo sát của HUBA, những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt gồm có: Sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí nguyên vật liệu gia tăng, thiếu lao động, thiếu đơn hàng, năng lực quản trị rủi ro, công nghệ, nhân lực... của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu so với yêu cầu hội nhập mới. Nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì không đủ sức để làm.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc, cũng như nâng cao sức chịu đựng. Đồng thời, định vị lại thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu…

Toàn cảnh diễn đàn CEO năm 2025.
Toàn cảnh diễn đàn CEO năm 2025.

Tiếng nói người trong cuộc

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh chính sách thuế quan và bảo hộ thương mại từ nhiều nước đang siết chặt, ngành Lương thực – Thực phẩm không chỉ là trụ cột kinh tế, mà còn là “lá chắn mềm” giữ vững sản xuất, việc làm và chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo bà Chi, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ  đang phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường chủ lực như Hoa Kỳ. Khi xảy ra biến động, việc thiếu phương án thay thế khiến doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm như: Tái định vị thị trường, ưu tiên khai thác thị trường ngách, thị trường Hồi giáo (halal) và từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh thông qua khác biệt sản phẩm và câu chuyện thương hiệu.

Chia sẻ kinh nghiệm thích ứng, vượt qua thách thức, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Secoin khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trong cơn bão thuế quan, rào cản toàn cầu áp lên doanh nghiệp Việt.

Để ứng phó với mức thuế 46% từ Hoa Kỳ, Secoin đã chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cùng đối tác chia sẻ chi phí và tập trung phát triển sản phẩm mới thay vì cạnh tranh giá. Doanh nghiệp không bỏ trứng vào một giỏ, mà đa dạng hóa thị trường, tham gia hội chợ tại Australia và kết nối thương hiệu thông qua xúc tiến thương mại bài bản.

Bà Hương cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi xanh, nhưng cảnh báo doanh nghiệp cần có chiến lược tiêu chuẩn hóa để đáp ứng đồng thời nhiều thị trường, thay vì chạy theo từng yêu cầu riêng biệt. Trong thời điểm bất ổn, quản trị tinh gọn và chuyển đổi số, đặc biệt qua thương mại điện tử xuyên biên giới, chính là “cánh tay nối dài” giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu một cách chủ động hơn.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, cho biết cần có chiến lược tiếp cận tài chính xanh. Ông cũng nêu thách thức khi các khung chính sách về tiêu chuẩn xanh đến nay vẫn chưa được ban hành.

Kiến nghị về chính sách, cần khẩn trương ban hành các chính sách. Đặc biệt là các chính sách liên ngành, kết hợp hài hòa với nhau mới tạo nên giá trị. Chính sách công, đầu tư công, mua sắm công, vai trò của Nhà nước phải hết sức thúc đẩy. Chúng ta có thể đẩy nhanh mua sắm công, bao nhiêu sản phẩm là tái chế. Cần vốn mồi trong các nghiên cứu, mô hình thử nghiệm, như mô hình cộng sinh công nghiệp ở Hàn Quốc đã cho thấy hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn.

Để doanh nghiệp chuyển đổi kép, cần hết sức khẩn trương, gắn với chiến lược, mô hình kinh doanh. Các doanh nghiệp không chỉ nhìn thị trường trong nước mà còn thị trường quốc tế.