Hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý tài nguyên nước

Thùy Linh

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTC được đánh giá là bước đi cần thiết và kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên nước. Việc sửa đổi này không chỉ bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch và thống nhất giữa các lĩnh vực liên quan đến cấp phép, khai thác tài nguyên, mà còn góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiết yếu.

Đề xuất tăng mức thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước sẽ góp phần phát triển bền vững trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiết yếu. Ảnh Internet.
Đề xuất tăng mức thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước sẽ góp phần phát triển bền vững trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiết yếu. Ảnh Internet.

Điều chỉnh nhiều nhóm công việc

Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề nghị sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTC. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Luật Tài nguyên nước năm 2023, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan và điều kiện thực tiễn triển khai.

Theo Thông tư số 01/2022/TT-BTC hiện hành, phí khai thác, sử dụng nguồn nước gồm một khoản phí chung, trong đó quy định 8 công việc thu phí. Trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật mới và đề xuất từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính kiến nghị giữ nguyên 4 công việc thu phí gồm: thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; thẩm định báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nước dưới đất; thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; và thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn.

Bên cạnh đó, có hai công việc được đề xuất điều chỉnh nội dung do thay đổi về đối tượng cấp phép và quy mô khai thác theo quy định tại Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Hai công việc này là thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt và thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển.

Ngoài ra, một công việc khác cũng được điều chỉnh do không còn tồn tại trường hợp thẩm định đề án, báo cáo cho cấp lại giấy phép do chuyển nhượng, trong khi thực tế lại phát sinh trường hợp thẩm định đề án, báo cáo khi đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác nước dưới đất, nước mặt, nước biển.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh công việc thẩm định điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất do thực tế hiện nay chỉ phát sinh trường hợp gia hạn giấy phép, không còn trường hợp điều chỉnh giấy phép như trước.

Cùng với việc điều chỉnh danh mục công việc, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thu phí đối với 6 công việc, với mức điều chỉnh từ 40% đến 102%. 6 công việc này bao gồm thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn; thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; và thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển.

Không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định là cần thiết và không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Phí thẩm định là khoản chi tất yếu khi Nhà nước cung cấp dịch vụ công và doanh nghiệp có nghĩa vụ chi trả để bù đắp chi phí thực hiện các thủ tục cấp phép. Khoản phí này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng chi phí đầu tư và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của doanh nghiệp.

Ví dụ, một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện công suất 2MW có tổng chi phí đầu tư trung bình khoảng 50 đến 60 tỷ đồng. Trong trường hợp đó, mức phí thẩm định tài nguyên nước nếu được điều chỉnh sẽ khoảng 25 triệu đồng, so với mức thu hiện hành là 12,8 triệu đồng. Như vậy, khoản phí này là không đáng kể trong tổng thể chi phí đầu tư.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật trung bình của doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 20% đến 30% lợi nhuận. Trong khi đó, mức phí thẩm định trong lĩnh vực môi trường là 45 đến 50 triệu đồng và trong lĩnh vực khoáng sản dao động từ 1 đến 100 triệu đồng. Với mức phí cấp mới đề xuất trong lĩnh vực tài nguyên nước là từ 15 đến 58 triệu đồng, Bộ Tài chính cho rằng mức phí này hoàn toàn phù hợp, tương đương với các lĩnh vực có yêu cầu thẩm định tương tự hiện nay.

Hơn nữa, mức phí nêu trên chỉ thu một lần cho toàn bộ thời gian hiệu lực của giấy phép, kéo dài từ 5 đến 15 năm. So với lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong thời gian khai thác tài nguyên, đây là khoản chi phí nhỏ và hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh mức phí từ 40% đến 102% cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, bởi hầu hết doanh nghiệp sẵn sàng chi trả để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Về tác động đến ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh mức thu phí được kỳ vọng sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Với tỷ lệ nộp ngân sách là 30%, tổng số thu từ phí khai thác, sử dụng nguồn nước sẽ cao hơn so với mức thu hiện hành, tạo nguồn lực tài chính bổ sung cho công tác quản lý tài nguyên nước và các hoạt động công vụ liên quan.

Việc sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTC lần này được đánh giá là cần thiết và kịp thời nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên nước, đồng thời tạo sự minh bạch, công khai và đồng bộ giữa các lĩnh vực liên quan đến cấp phép, khai thác tài nguyên. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiết yếu.