TP. Hải Phòng: Quyết liệt các giải pháp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
TP. Hải Phòng đã giải ngân được hơn 15.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 43% kế hoạch Thủ tướng giao. Để hoàn thành 100% kế hoạch, Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kịch bản giải ngân cho 6 tháng cuối năm…
Đến hết tháng 6/2025, toàn TP. Hải Phòng đang triển khai hơn 3.000 dự án. Dù đã có những nỗ lực đáng kể nhưng kết quả giải ngân mới đạt 15.384 tỷ đồng, tương ứng 42,9% so với tổng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và 39,2% so với tổng kế hoạch vốn Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố giao. Như vậy, vẫn còn một khoảng cách đáng kể cần phải bù đắp trong 6 tháng cuối năm để đạt được các mục tiêu đề ra.
Trong đó, khu vực Hải Dương (cũ) đã giải ngân 7.582 tỷ đồng, đạt 72,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Khu vực TP. Hải Phòng (cũ) giải ngân được 7.802 tỷ đồng, tương đương 30,7% kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp so với mức trung bình của cả nước, đặc biệt là khu vực Đông Thành phố như: các Ban Quản lý Dự án khu vực Ngô Quyền, Lê Chân, Đồ Sơn, Hồng Bàng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo…
Tại Hội nghị trực tuyến của UBND Thành phố với các địa phương về kế hoạch kịch bản giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2025, lãnh đạo các Ban Quản lý Dự án của Thành phố và Ban Quản lý Dự án khu vực phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân. Nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với một số dự án trọng điểm như đường vành đai 2, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cầu Nguyễn Trãi...

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Ngọc Châu yêu cầu các chủ đầu tư, UBND các xã, phường, đặc khu bố trí cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện để khẩn trương triển khai hoàn thành các thủ tục, lựa chọn nhà thầu và sớm khởi công thực hiện đầu tư.
Các sở, ban, ngành, địa phương phân công cán bộ chuyên môn bám sát kế hoạch, tiến độ từng dự án; chủ động, tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện các thủ tục lập, thẩm định dự án, thiết kế sau thiết kế cơ sở...; không chờ hồ sơ hoàn thiện mới thẩm định nhằm rút ngắn thời gian thẩm định xuống mức tối đa nhưng phải đảm bảo về chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Với các chủ đầu tư, lãnh đạo TP. Hải Phòng yêu cầu phân công cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án. Kịp thời báo cáo, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho từng nội dung công việc và lấy kết quả giải ngân là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân vào cuối năm.
Các chủ đầu tư phân công lãnh đạo theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện dự án hằng tuần; nhà thầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, gắn với kiểm tra, giám sát hiện trường…
Đồng thời, lãnh đạo UBND Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính để phục vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi chuyển đổi thực hiện theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Cùng với đó, UBND các xã, phường, đặc khu thành lập ngay Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với các tổ chức có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; hoàn thành và báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 31/7.
Đặc biệt, các địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại lớn như: Phường Ngô Quyền (453 tỷ đồng), phường Nam Triệu (452 tỷ đồng), phường Thủy Nguyên (218 tỷ đồng), xã Kiến Thụy (152 tỷ đồng), xã Kiến Minh (151 tỷ đồng), phường Lê Thanh Nghị (141 tỷ đồng) tập trung hoàn thành giải ngân 100% vốn đã cấp cho công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Kho bạc Nhà nước Thành phố thực hiện và chỉ đạo cơ quan Kho bạc Nhà nước khu vực thực hiện kiểm soát chi, thực hiện thanh toán, giải ngân cho dự án ngay sau khi đã đầy đủ hồ sơ theo quy định; đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công…