Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu: Giải pháp phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam

TS. Phạm Trung Tiến, ThS. Đào Hồng Hạnh - Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương mại

Nông nghiệp được khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, là động lực để phát triển đất nước. Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu là giải pháp then chốt để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, góp phần vào sự phát triền của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Bài viết này khảo sát thực trạng chất lượng nông sản xuất khẩu tại 86 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên cả nước, phân tích hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, góp phần thực hiện định hướng hội nhập quốc tế của ngành Nông nghiệp.

Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp hướng tới xuất khẩu và hội nhập quốc tế

Ngành Nông nghiệp Việt Nam định hướng phát triển theo hướng thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nông thôn mới văn minh, nông dân giàu có; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2019). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 24/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh phát triển nông nghiệp quy mô lớn, trình độ cao, giữ vững vai trò trụ cột kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Hệ thống sản xuất được hoàn thiện, tăng chế biến nông sản và mở rộng xuất khẩu.

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó hướng giải pháp thứ 8 là về hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ. Một số nhiệm vụ định hướng được xác định là khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), duy trì ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính; Cung cấp thông tin kịp thời về cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách từ các thị trường nhập khẩu; Triển khai hiệu quả công tác quảng bá và xúc tiến thương mại dựa trên công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ chế biến, bảo quản, giống, môi trường và tái sử dụng phụ phẩm.

Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp đến năm 2030 nhấn mạnh hội nhập quốc tế là hướng đi chính để tái cơ cấu, đổi mới mô hình, tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường, phát triển bền vững và nâng cao thu nhập người dân. Mục tiêu chính tập trung: Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế; Mở rộng thị trường bền vững và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Tạo môi trường cạnh tranh công bằng, thúc đẩy đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Triển khai thực hiện những định hướng trên, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lần lượt đạt 48,70 tỷ USD vào năm 2021 và 53,22 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam đã có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD (ICTVietnam, 2023). Tuy nhiên, một số khó khăn đã được chỉ ra với nông sản xuất khẩu (NSXK) Việt Nam là: giá trị gia tăng của nông sản còn thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh còn hạn chế; độ nhận diện thương hiệu còn thấp; thiếu truy xuất nguồn gốc xuất xứ; chủng loại sản phẩm chưa đa dạng (Trần Đức Viên, 2023). Chính vì vậy, nâng cao chất lượng NSXK là giải pháp căn bản đảm bảo đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, qua đó thực hiện thành công định hướng hội nhập quốc tế và phát triển ngành Nông nghiệp.

Thực trạng chất lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam

Để thu thập số liệu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 86 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (XKNS) trên cả nước từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023. Bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi đóng và mở, được chia thành các phần cụ thể: (1) Phần 1: Thông tin chung về doanh nghiệp; (2) Phần 2: Thực trạng chất lượng NSXK của doanh nghiệp, với các câu hỏi đánh giá chất lượng nông sản dưới góc độ doanh nghiệp và khách hàng quốc tế; ((3) Phần 3: Đánh giá và ý kiến của doanh nghiệp về mức độ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng NSXK, với các câu hỏi về việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể; (4) Phần 4: Đánh giá quy trình sản xuất chế biến của doanh nghiệp XKNS, gồm các câu hỏi về năng lực sản xuất, quy trình chế biến, công nghệ, kiểm tra và kiểm soát chất lượng. Thực trạng chất lượng NSXK được phân tích qua các câu hỏi định lượng, với thang điểm từ 1 (Hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (Hoàn toàn đồng ý).

Tỷ lệ lựa chọn (%) các phương án được lựa chọn của các doanh nghiệp XKNS được thể hiện trong bảng Phân tích chất lượng NSXK và mức độ đáp ứng các yêu cầu đối với NSXK như Bảng 1.

Theo bảng số liệu nêu trên, có thể thấy các doanh nghiệp XKNS đảm bảo chất lượng sản phẩm NSXK ở mức tương đổi tốt xét trên tất cả các tiêu chí, với mức điểm trung bình thấp nhất là 3.44 và cao nhất là 3.72.

Một điểm đặc biệt trong bảng số liệu trên tới từ 2 tiêu chí có mức điểm trung bình cao nhất (I.4. Các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản xuất khẩu của Công ty luôn hài lòng về sản phẩm của Công ty, 3,72) và thấp nhất (II.1. Sản phẩm của Công ty đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu, 3,44). Mặc dù sự chênh lệch điểm giữa 2 tiêu chí đánh giá có vẻ mâu thuẫn vì chúng liên quan chặt chẽ đến nhau (sự hài lòng của khách hàng và mức độ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm), nhưng phân tích sâu về bản chất và mối quan hệ giữa chúng sẽ giúp giải thích sự khác biệt này, từ đó hiểu rõ hơn về đánh giá của các doanh nghiệp XKNS đối với chất lượng sản phẩm của họ hiện nay. Ở một khía cạnh, các doanh nghiệp XKNS tự tin rằng chất lượng sản phẩm NSXK của họ đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng quốc tế và được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, có thể là do các tiêu chuẩn này khá cao và khắt khe, tạo ra những rào cản thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể chưa nắm rõ đầy đủ hoặc gặp khó khăn trong việc cập nhật và chứng minh tuân thủ các tiêu chuẩn mới, dẫn đến sự thiếu tự tin. Việc đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu là một thách thức lớn, bởi các yêu cầu này ngày càng phức tạp, đa dạng, và khác biệt giữa các thị trường, với nhiều tiêu chuẩn mới liên tục được ban hành.

Nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp XKNS Việt Nam coi nhẹ các tiêu chuẩn chất lượng NSXK, xem đó đơn thuần là rào cản hoặc thủ tục cần vượt qua, cho rằng sản phẩm của họ đã đủ tốt và chỉ cần đáp ứng thủ tục là đủ. Kết quả này cho thấy cần có những phân tích chi tiết hơn và hành động cụ thể từ phía các doanh nghiệp XKNS, các tổ chức trong chuỗi giá trị NSXK, hiệp hội ngành nghề và cơ quan quản lý Nhà nước để cải thiện việc tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Cụ thể hơn, kết quả đánh giá chất lượng NSXK (nhóm tiêu chí I.1, I.2, I.3, I.4), ngoài tiêu chí I.4 đã phân tích ở trên, 3 tiêu chí còn lại có mức điểm tương đối thấp. Đặc biệt, tiêu chí I.3. Sản phẩm nông sản xuất khẩu của Công ty chưa bao giờ bị trả về có điểm trung bình là 3,57 với 40,22% trả lời cho mức điểm từ trung bình (3.0) trở xuống. Khi đối chiếu với kết quả khảo sát tiêu chí I.4 và II.1 cho thấy việc các doanh nghiệp XKNS có sản phẩm bị trả về là không hiếm; việc sản phẩm NSXK bị trả về rất có thể do sản phẩm không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng NSXK.

Đối với các tiêu chí thuộc nhóm II (II.1, II.2, II.3, II.4, II.5), ngoài tiêu chí có mức điểm trung bình thấp nhất (3,44) là II.1, hai nội dung mà các doanh nghiệp XKNS làm tốt, đáp ứng yêu cầu phản ánh qua 2 tiêu chí II.4. Sản phẩm của Công ty đáp ứng điều kiện bảo quản nông sản xuất khẩu với điểm trung bình là 3,65; và II.5. Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu môi trường trong quá trình chế biến với điểm trung bình là 3,64. Qua đây có thể khẳng định là các doanh nghiệp XKNS Việt Nam thể hiện thái độ tự tin và thực sự đã thực hiện tốt các nội dung/các tiêu chí mà họ hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát được (II.4, II.5).

Tuy nhiên với hai yếu tố phải phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài (II.2, II.3), các doanh nghiệp XKNS Việt Nam thể hiện sự thiếu tự tin hơn, qua mức điểm trung bình thấp. Hai tiêu chí II.2. Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ và II.3. Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, bao bì có mức điểm trung bình thấp hơn hẳn (lần lượt là 3.59 và 3.53). Điều này cho thấy các công ty XKNS Việt Nam cần phải giải quyết tốt hơn vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ và vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm NSXK.

Tổng kết lại, các doanh nghiệp XKNS Việt Nam đã thực hiện khá tốt hoạt động sản xuất, chế biến và bảo quản NSXK. Họ tự tin rằng sản phẩm của mình đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vấn đề mà các doanh nghiệp không hoàn toàn kiểm soát được, như chất lượng đầu vào của nông sản và các quy định của thị trường nước ngoài…

Giải pháp nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Bảng 1: Phân tích chất lượng nông sản xuất khẩu và mức độ đáp ứng các yêu cầu đối với nông sản xuất khẩu


câu hỏi

Tiêu chí

Tỷ lệ theo mức độ đánh giá (%)

Giá trị trung bình

1

2

3

4

5

Chất lượng nông sản xuất khẩu

I.1

Chất lượng của nông sản xuất khẩu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của khách hàng nước ngoài

0,00

10,75

40,8

23,66

24,73

3,62

I.2

Hoạt động xuất khẩu nông sản của công ty luôn tuân thủ các quy định tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu (Ví dụ: Global Gap, EU Gap, Asean Gap …)

0,00

10,75

25,81

53,76

9,68

3,62

I.3

Sản phẩm nông sản xuất khẩu của Công ty chưa bao giờ bị trả về?

8,70

1,09

30,43

44,57

15,22

3,57

I.4

Các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản xuất khẩu của Công ty luôn hài lòng về sản phẩm của Công ty

0,00

11,83

27,96

36,56

23,66

3,72

Mức độ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nông sản xuất khẩu

II.1

Sản phẩm của Công ty đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu

1,11

16,67

25,56

50,00

6,67

3,44

II.2

Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ

0,00

7,78

38,89

40,00

13,33

3,59

II.3

Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, bao bì

0,00

12,50

32,95

43,18

11,36

3,53

II.4

Sản phẩm của Công ty đáp ứng điều kiện bảo quản nông sản xuất khẩu

2,25

10,11

31,46

32,58

23,60

3,65

II.5

Sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu môi trường trong quá trình chế biến

5,56

4,44

31,11

37,78

21,11

3,64

Nguồn: Khảo sát của các tác giả (2023)

Lý thuyết và kết quả khảo sát đều khẳng định sự cần thiết nâng cao chất lượng NSXK Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp XKNS nói riêng và sự phát triển mang tính lâu dài và bền vững của ngành Nông nghiệp nói chung (Đinh Văn Sơn, 2022; Trần Đức Viên, 2023). Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng NSXK, hướng tới phát triển ổn định và bền vững cho các doanh nghiệp XKNS Việt Nam:

Một là, các doanh nghiệp XKNS Việt Nam cần có thái độ và sự quan tâm đúng đắn với các tiêu chuẩn chất lượng NSXK như các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng Global GAP, ASEAN GAP…; các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ; các tiêu chuẩn về ghi nhãn, mẫu mã, bao bì… Thay vì chỉ đối phó tạm thời với các quy định này, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng việc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn không chỉ giúp tăng trưởng tiêu thụ NSXK, nâng cao năng lực cạnh tranh và độ nhận diện thương hiệu, mà còn mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Do các tiêu chuẩn này rất phức tạp, đa dạng và thay đổi thường xuyên, các doanh nghiệp cần nỗ lực, phối hợp với các liên minh, hiệp hội và cơ quan Nhà nước để đáp ứng tốt và bảo vệ quyền lợi trong việc hoàn thiện thủ tục và đấu tranh với các tổ chức quốc tế.

Hai là, các doanh nghiệp XKNS Việt Nam cần có biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng đầu vào của các NSXK, trên cơ sở đó đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nước ngoài (Ngô Thị Phương Liên, 2018). Để thực hiện điều này, việc áp dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh là rất quan trọng. Đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ hiện đại sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị gia tăng của nông sản, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn và bảo vệ môi trường; bên cạnh đó, góp phần giải quyết một khó khăn cố hữu của ngành hàng nông sản là tính mùa vụ của sản phẩm (Nguyễn Thị Minh Phượng & Nguyễn Thị Minh Hiền, 2012). Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công, vốn đang thiếu và có chi phí cao tại nông thôn.

Ba là, các doanh nghiệp XKNS Việt Nam cần tập trung hơn cho việc xây dựng thương hiệu cho NSXK. Đây có thể coi là một điểm yếu của các doanh nghiệp XKNS và cả ngành Nông nghiệp Việt Nam. Là một nước nông nghiệp lâu đời, có các sản phẩm NSXK rất phong phú và đa dạng nhưng thương hiệu của NSXK Việt Nam còn ít về số lượng và yếu cả về độ nhận diện và sức cạnh tranh. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu sản phẩm nông sản còn thấp, do nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu ở dạng thô, các nhà nhập khẩu nước ngoài chế biến và sử dụng thương hiệu của họ ở thị trường nước ngoài (Trần Đức Viên, 2023). Xây dựng các thương hiệu mạnh cũng là lời khẳng định thuyết phục về mức độ đáp ứng cao các tiêu chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm NSXK.

Bốn là, để thực hiện các giải pháp trên, các doanh nghiệp XKNS cần được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tài chính để đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô hoạt động. Những hỗ trợ về tài chính đặc biệt quan trọng, thể hiện vai trò tiên quyết do đầu tư vào đổi mới công nghệ sẽ không phải là hoạt động trong ngắn hạn, dễ dàng và nhanh chóng thấy được lợi ích hay hiệu quả ngay (Đinh Văn Sơn, 2022). Các hoạt động này cần gắn liền với tiêu chí bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng NSXK. Đây phải là yếu tố tiên quyết khi Nhà nước và các tổ chức tài chính xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm là, một giải pháp bổ trợ mang tính lâu dài, với hiệu quả chỉ thấy được trong dài hạn nhưng cũng không thể xem nhẹ, đó là các doanh nghiệp XKNS cần liên tục xây dựng và phát triển mối quan hệ với các tổ chức và cộng đồng xã hội. Các doanh nghiệp cần duy trì các mối quan hệ bền vững không chỉ với các đối tác trong ngành như hộ nuôi trồng, doanh nghiệp thu mua chế biến, các liên minh, hiệp hội ngành hàng mà còn mở rộng tới các tổ chức khác như trường đại học, viện nghiên cứu, đối tác tư vấn, các tổ chức tài chính, xúc tiến xuất khẩu, cơ quan thông tin đại chúng và tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lợi ích và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Điều này sẽ nâng cao vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường và trong xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và ổn định của các doanh nghiệp XKNS.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (2019), Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, Tài liệu tuyển chọn hội thảo khoa học, ngày 16-17/7/2019;
  2. Đinh Văn Sơn (2022), Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại: Cơ sở lý luận và thực tiễn, NXB Hà Nội;
  3. Trần Đức Viên (2023), Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Vấn đề đặt ra và một số giải pháp, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828917/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam--van-de-dat-ra-va-mot-so-giai-phap.aspx;
  4. Hồ Thanh Thủy (2017), “Vai trò liên kết trong sản xuất nông sản”, Tạp chí Giáo dục lý luận, số 269+270, tr. 34-40;
  5. Ngô Thị Phương Liên (2018), “Phát triển hàng nông sản theo chuỗi giá trị: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 27 (9/2018), tr. 44-47;
  6. Nguyễn Thị Minh Phượng và Nguyễn Thị Minh Hiền (2012), “Đặc điểm của công nghiệp chế biến nông sản và chuỗi giá trị đối với ngành hàng nông sản”, Tạp chí kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, số 367 (6/2012), tr. 20-23;
  7. ICTVietnam (2023), Xuất khẩu nông sản Việt tiếp đà tăng trưởng kinh tế đất nước, Tạp chí Thông tin và truyền thông, https://ictvietnam.vn/xuat-khau-nong-san-viet-tiep-da-tang-truong-kinh-te-dat-nuoc-59526.html.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024