Nâng cao hiệu quả giải pháp khởi tạo khoản vay tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bùi Thị Thanh Thủy

Trong xu thế hiện đại hóa hoạt động tín dụng và ngân hàng, các ngân hàng hàng đầu trên thị trường đã và đang triển khai hoặc chuyển đổi các hệ thống liên quan đến hoạt động tín dụng, đặc biệt là Giải pháp Khởi tạo khoản vay (LOS).

Đặt vấn đề

Ngành Ngân hàng đang trải qua những thay đổi to lớn. Một vài năm trước, ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh khá truyền thống, nhưng ngày nay, công nghệ và sự đổi mới, cạnh tranh ngày càng tăng, sự phức tạp về quy định, sự phát triển của các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các đơn vị phi ngân hàng, sự hợp nhất của các tổ chức dịch vụ tài chính, và kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng đang đặt áp lực lên các mô hình kinh doanh truyền thống.

Đối với đội ngũ lãnh đạo tại các ngân hàng, hiện tại là khoảng thời gian chuyển giao quan trọng để nắm bắt những xu hướng này và chuẩn bị cho một môi trường thay đổi nhanh chóng. Trong khi đó, các xu hướng mới và sự thay đổi không ngừng của các xu hướng này ngày càng ảnh hưởng đến niềm tin và cách thức thỏa mãn nhu cầu tài chính của khách hàng. Điều này cũng buộc các ngân hàng phải giải quyết câu hỏi cơ bản về tổ chức tài chính là gì và mang lại giá trị gì. Trong xu thế hiện đại hóa hoạt động tín dụng và ngân hàng, các ngân hàng hàng đầu trên thị trường đã và đang triển khai hoặc chuyển đổi các hệ thống liên quan đến hoạt động tín dụng, đặc biệt là Giải pháp Khởi tạo khoản vay (LOS).

Ba lĩnh vực chính để thành công trong môi trường số hóa

McKinsey cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu về xu hướng ngân hàng bán lẻ và sự chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Một trong những báo cáo nổi bật là "Tái định hình ngân hàng bán lẻ: Nâng cao hoạt động ngân hàng cho kỷ nguyên số tiếp theo”. Báo cáo này nhấn mạnh rằng mô hình ngân hàng bán lẻ truyền thống đang trở nên không bền vững và các ngân hàng cần phải tái cấu trúc để thích ứng với kỷ nguyên số mới. Tại Báo cao này, McKinsey cũng khuyến nghị các ngân hàng tập trung vào ba lĩnh vực chính để thành công trong môi trường số hóa:

Một là, chuyển đổi dựa trên công nghệ: Các ngân hàng cần áp dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm mô hình kinh doanh số và hệ thống công nghệ hybrid-cloud, để giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Hai là, tập trung vào khách hàng dựa trên dữ liệu: Sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của khách hàng, từ đó cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ba là, xây dựng niềm tin: Đảm bảo tính minh bạch và bảo mật trong các giao dịch tài chính để xây dựng và duy trì niềm tin của khách hàng. Lĩnh vực tín dụng là một trong những lĩnh vực thay đổi mạnh mẽ với xu hướng chuyển đổi số, đáp ứng các quy định ngày càng tăng từ cơ quan quản lý, tối ưu hóa quy trình tín dụng để có khả năng tạo ra trải nghiệm khách hàng được cải thiện và các dịch vụ siêu cá nhân hóa để quản lý tích cực hơn nữa các mối quan hệ khách hàng và cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Tại Việt Nam, từ góc độ của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành các định hướng và chính sách toàn diện, đặt ra những yêu cầu mới về thay đổi phương thức hoạt động tín dụng. Cụ thể, ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các mục tiêu cơ bản đến năm 2030 đối với các tổ chức tín dụng là: (i) ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; (ii) ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; (iii) ít nhất 70% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; và (iv) ít nhất 90% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng.

Ngoài ra, trước đó, Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của NHNN đặt ra các yêu cầu về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động cấp tín dụng theo nguyên tắc cá nhân, bộ phận có chức năng thẩm định tín dụng độc lập với cá nhân, bộ phận có chức năng: (i) Quan hệ khách hàng; (ii) Thẩm định lại (nếu có); (iii) Phê duyệt quyết định cấp tín dụng; (iv) Kiểm soát hạn mức rủi ro tín dụng; quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề; trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng. Ngân hàng thương mại phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo quy định của NHNN và Mô hình xếp hạng phải lượng hóa các tiêu chí để đánh giá khả năng (xác suất) khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận (bao gồm cả các yếu tố kinh tế - xã hội vĩ mô, môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng).

Tổng quan về giải pháp Khởi tạo khoản vay

Khái niệm

Gartner định nghĩa các giải pháp Khởi tạo khoản vay là ứng dụng phần mềm cho phép các tổ chức cho vay quản lý toàn bộ quy trình khởi tạo khoản vay, từ đơn đăng ký đến thẩm định và phê duyệt khoản vay, cho các doanh nghiệp có quy mô khác nhau. Giải pháp này có thể được sử dụng dưới dạng phần mềm tại chỗ, SaaS dựa trên đám mây, tích hợp và API và các giải pháp nhãn trắng (là sản phẩm hoặc dịch vụ được xây dựng sẵn do một công ty phát triển, có thể đổi tên thương hiệu và bán dưới tên thương hiệu của công ty khác).

Khởi tạo khoản vay là giải pháp phần mềm được thiết kế riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, phê duyệt và lập hồ sơ cho các khoản vay cho doanh nghiệp. Giải pháp này đóng vai trò là nền tảng tập trung để các bên cho vay đánh giá khả năng tín dụng của doanh nghiệp, thu thập và phân tích thông tin tài chính, tự động hóa quá trình xử lý tài liệu và hợp lý hóa quy trình cho vay thương mại.

Mục đích chính của giải pháp Khởi tạo khoản vay bao gồm các hoạt động như xử lý đơn vay, quản lý rủi ro, quản lý tài sản thế chấp và cải thiện hiệu quả hoạt động. Giải pháp này cung cấp giải pháp cho các vấn đề như quy trình phê duyệt kéo dài, nhập dữ liệu thủ công, phân tích tài chính và các yêu cầu về hồ sơ phức tạp.

Lợi ích của Giải pháp Khởi tạo khoản vay

Việc đầu tư vào Giải pháp Khởi tạo khoản vay mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm:

- Tối ưu hóa quy trình tín dụng: Tăng mức độ tự động hóa, giảm thiểu các bước thực hiện trùng lặp hoặc thủ công, giúp giảm thời gian xử lý giao dịch và tăng cường khả năng quản trị rủi ro, dự báo tương lai.

- Tăng cường trải nghiệm khách hàng: Lấy khách hàng làm trọng tâm, hướng tới cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và cho phép khách hàng tiếp cận dịch vụ qua nhiều kênh khác nhau.

- Tối ưu hóa chi phí: Giảm thiểu các chi phí chờ, hướng tới giảm chi phí vận hành trong dài hạn thông qua việc ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tự động hóa và năng suất lao động.

- Tăng khả năng theo dõi và báo cáo: Tạo lập các báo cáo tự động, tăng cường khả năng phân tích và dự báo.

- Cải thiện bảo mật và tuân thủ: Đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật như Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định nội bộ ngân hàng.

Như vậy, việc triển khai Giải pháp Khởi tạo khoản vay không chỉ giúp quản lý hoạt động cấp tín dụng hiệu quả, minh bạch và nhanh chóng mà còn cung cấp một cơ sở dữ liệu lịch sử về thông tin tín dụng của từng khách hàng, giúp tái sử dụng với các hồ sơ mới từ khách hàng.

Các giai đoạn của dự án chuyển đổi giải pháp LOS. Nguồn: Tác giả tổng hợp và phân tích
Các giai đoạn của dự án chuyển đổi giải pháp LOS. Nguồn: Tác giả tổng hợp và phân tích

Thực trạng triển khai giải pháp LOS tại một số ngân hàng của Việt Nam

Tình hình triển khai giải pháp LOS

Tại Việt Nam, giải pháp Khởi tạo khoản vay đã và đang được triển khai tại nhiều ngân hàng, bao gồm khối Ngân hàng có vốn Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Một số ngân hàng chưa có hệ thống khởi tạo khoản vay riêng và đang xử lý dựa trên hệ thống ngân hàng lõi (core-banking).

Ngân hàng VietinBank đã hoàn thành việc triển khai Giải pháp Khởi tạo khoản vay cho Khách hàng pháp nhân (CLOS), giải pháp Quản lý Tài sản Bảo đảm (TSBĐ) và Quản lý Hạn mức vào năm 2013. Đến năm 2019, VietinBank tiếp tục đưa vào hoạt động Giải pháp Khởi tạo Khoản vay cho Khách hàng Cá nhân (RLOS).

Ngân hàng Vietcombank đã bắt đầu triển khai Giải pháp Khởi tạo khoản vay từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2023, với CLOS hoàn thành năm 2019 và RLOS hoàn thành năm 2023. Vietcombank cũng đã triển khai hệ thống GLIMS để Quản lý Hạn mức tổng. Ngân hàng BIDV đã triển khai thành công CLOS, hệ thống Quản lý TSBĐ và Quản lý Hạn mức (CLIMS) vào năm 2020 và hiện đang thực hiện triển khai RLOS.

Vai trò của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ

Các nhà cung cấp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và tối ưu hóa hệ thống khởi tạo khoản vay tại các ngân hàng. Hiện nay tại thị trường Việt Nam có nhiều nhà cung cấp giải pháp LOS nổi bật như:

- Nucleus Software: Với FinnOne Neo, giúp Techcombank tự động hóa quy trình tín dụng, tăng tốc độ và hiệu suất xử lý [Nguồn: Nucleus Software Case Study, 2021].

- Axe Finance: Hỗ trợ Vietcombank và VIB quản lý tín dụng và rủi ro với hệ thống phân tích dữ liệu tiên tiến [Nguồn: Axe Finance Client Story, 2020].

- Fidelity (Fis Global): Cung cấp giải pháp đám mây cho VietinBank và HDBank, tăng cường hiệu suất và bảo mật [Nguồn: Fis Global Solutions Overview, 2021].

- Aurion (Integrosys): Hỗ trợ VPBank và BIDV với phần mềm tín dụng tiên tiến cho quy trình tự động hóa [Nguồn: Aurion Integrosys Banking Solutions, 2022].

- Moody's Analytics: Cung cấp công cụ phân tích tín dụng cho Vietcombank và HDBank, giảm thiểu rủi ro [Nguồn: Moody's Analytics Client Engagement, 2022].

- Crif: Hỗ trợ ABBANK với công nghệ phân tích dữ liệu lớn, nâng cao khả năng phê duyệt khoản vay [Nguồn: Crif Insights, 2021].

- Newgen Software: Giúp Saigonbank tự động hóa quy trình quản lý tín dụng, tăng tốc độ và hiệu quả [Nguồn: Newgen Software Client Solutions, 2020].

- Infosys: Hỗ trợ ACB phát triển hệ thống phê duyệt trực tuyến, cải thiện trải nghiệm ngân hàng số [Nguồn: Infosys Financial Services Update, 2022].

- HPT: Nâng cấp bảo mật và quản lý thông tin tại BIDV và Agribank, giúp tối ưu hóa quy trình khởi tạo khoản vay [Nguồn: HPT Technology Implementation Report, 2021].

Những thành tựu quan trọng

Những nỗ lực cải tiến và đầu tư vào công nghệ đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng cho các ngân hàng Việt Nam.

- Tăng trưởng doanh số cho vay: Việc cải tiến hệ thống phê duyệt tự động và tích hợp công nghệ hiện đại đã giúp các ngân hàng tăng trưởng đáng kể về doanh số cho vay. Thời gian xử lý nhanh hơn đã cho phép các tổ chức này tiếp nhận và hoàn tất nhiều đơn xin vay hơn.

- Giảm tỷ lệ nợ xấu: Công nghệ phân tích rủi ro tín dụng đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu, cung cấp các quyết định cho vay một cách chính xác và thông minh. Nhờ vào việc sử dụng hệ thống đánh giá tín dụng tiên tiến, các ngân hàng có khả năng nhận diện các dấu hiệu tiềm ẩn và hành động kịp thời.

- Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Một trong những kết quả nổi bật nhất là sự cải thiện rõ rệt trong trải nghiệm khách hàng. Các giải pháp công nghệ giúp rút ngắn thời gian phê duyệt và giải ngân, tạo ra sự tiện lợi và hài lòng cho khách hàng. Tích hợp công nghệ mới cũng mang lại dịch vụ cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng khách hàng.

- Hiệu quả nội bộ: Với quy trình tự động hóa và tối ưu hóa, các ngân hàng đã cải thiện hiệu quả nội bộ, giảm thiểu tác động của con người và lỗi hệ thống, tối ưu hóa chi phí vận hành và đảm bảo rằng nhân viên có thể tập trung vào các nhiệm vụ giá trị cao hơn.

- Khả năng mở rộng dịch vụ: Công nghệ số đã mở ra khả năng mở rộng dịch vụ và thâm nhập vào các thị trường mới nhanh chóng. Các ngân hàng có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng đa dạng hơn, từ đó tăng cường sự hiện diện trên thị trường quốc tế và cả thị trường vùng sâu, vùng xa.

Một số đề xuất nhằm tối ưu hóa giải pháp LOS

Để tối ưu hóa giải pháp LOS, các ngân hàng cần thực hiện một số bước quan trọng như sau:

Một là, nâng cấp và tinh chỉnh hệ thống: Bổ sung các tính năng mới, cải thiện tính linh hoạt và thân thiện với người sử dụng.

Hai là, tăng cường bảo mật: Đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng bằng cách sử dụng các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây.

Ba là, đào tạo nhân viên: Tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên về cách sử dụng hệ thống LOS hiệu quả và an toàn.

Bốn là, tích hợp với các hệ thống khác: Đảm bảo hệ thống LOS được tích hợp chặt chẽ với các hệ thống thông tin khác tại ngân hàng để tối ưu hóa quy trình xử lý khoản vay.

Kết luận

Việc cải tiến hệ thống khởi tạo khoản vay tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng thương mại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Các nhà cung cấp giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và tối ưu hóa hệ thống LOS. Với các ngân hàng chưa triển khai giải pháp LOS, cần cân nhắc đầu tư giải pháp LOS riêng biệt, bên cạnh giải pháp Core-banking. Với các ngân hàng đã triển khai LOS, để tiếp tục phát triển, các ngân hàng cần không ngừng nâng cấp hệ thống, tăng cường bảo mật, đào tạo nhân viên và tích hợp chặt chẽ với các hệ thống khác.