Kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam:
Thị trường chứng khoán Việt Nam 1/4 thế kỷ kiến tạo lòng tin, khơi thông dòng vốn, từng bước hội nhập
Qua 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế; trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Để phát triển TTCK trở thành “hàn thử biểu” của nền kinh tế trong thời gian tới, thì bên cạnh việc hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm định hình một thị trường hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững.

Hành trình 25 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
Sáng 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của HOSE) chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên khi chỉ có 6.000 cổ phiếu REE và SAM được khớp lệnh.
Tuy nhiên, đến năm 2024, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCOM) đã đạt gần 70% GDP và phấn đấu đạt 120% GDP vào năm 2030 theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 (tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030).
Chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 2000 - 2010: Khởi nguồn, hình thành cơ chế, chính sách
Năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân sàn HOSE) ra đời với 2 mã cổ phiếu, giao dịch chủ yếu bằng tay. Thời gian giao dịch theo phiên trong tuần, khối lượng và giá trị giao dịch thấp, room ngoại 0%. Trong thời kỳ này thị trường còn sơ khai, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, chủ yếu là quyết định của Bộ Tài chính.
Ba năm sau đó, ngày 05/8/2003, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 163/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể tham gia TTCK Việt Nam làm căn cứ tuân thủ quy định trong giai đoạn này. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK. Những văn bản pháp lý này đã quy định cụ thể về việc phát hành, niêm yết chứng khoán, quản lý công ty chứng khoán (CTCK) và hoạt động của các nhà đầu tư trên thị trường. Đến năm 2005, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chuyển về Bộ Tài chính quản lý, giúp nâng cao hiệu quả điều hành và phát triển TTCK.
Đến năm 2006, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ra đời quy định về các loại chứng khoán, việc niêm yết và giao dịch, hoạt động của các CTCK, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, cũng như các vấn đề về quản lý, giám sát. Đây là văn bản pháp lý quan trọng giúp chuẩn hóa các hoạt động trên TTCK Việt Nam. Cũng trong năm 2006, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được thành lập, tạo thêm một kênh giao dịch mới và mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các công ty và nhà đầu tư. Đến thời điểm này, nhu cầu phát triển của thị trường ngày càng cao đòi hỏi cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao hơn, để quản lý và điều chỉnh các hoạt động trên thị trường trở nên chuyên nghiệp, hiện đại.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TTCK Việt Nam đã trải qua một giai đoạn bùng nổ, đặc biệt với chỉ số VN-Index đạt đỉnh gần 1.200 điểm vào tháng 3/2007. Tuy nhiên, đến năm 2008, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam trải qua một đợt suy giảm mạnh. Sau đợt suy giảm, thị trường bước vào giai đoạn ổn định với các biện pháp tăng cường giám sát, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư. Các văn bản pháp luật và chính sách mới cũng được ban hành nhằm đảm bảo TTCK phát triển bền vững hơn; đồng thời, nhiều sản phẩm tài chính mới như trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng bắt đầu được triển khai trên thị trường.
Giai đoạn 2010-2020: Thời kỳ phát triển mạnh mẽ của thị trường
Giai đoạn 2010-2020 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của TTCK Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng được ban hành, nhằm cải thiện tính minh bạch, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020. Theo đó, một số chính sách đã được ban hành trong giai đoạn này có thể kể đến:
(1) Luật Chứng khoán năm 2010 sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2006 được ban hành, trong đó quy định các quy tắc và chuẩn mực cho TTCK, tạo ra một khuôn khổ pháp lý ổn định, nhằm đảm bảo tính minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư. Tiếp đó là Luật Chứng khoán năm 2019 - bước cải cách quan trọng với các quy định mới về công bố thông tin, tiêu chuẩn quản trị công ty, nâng cao yêu cầu đối với tổ chức phát hành, CTCK và quỹ đầu tư nhằm bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
(2) Cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN): Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép NĐTNN được đầu tư không hạn chế vào các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định quy định NĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam. Việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước cũng là một bước đột phá để đưa TTCK Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
(3) Sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN trong giai đoạn này. Các DN lớn như: Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã niêm yết trên sàn, giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường; đồng thời, nâng cao sự tham gia của công chúng trong các DN lớn.
(4) Phát triển TTCK phái sinh: Thị trường phái sinh chính thức hoạt động từ năm 2017 với sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Đây là dấu mốc quan trọng giúp nhà đầu tư có công cụ bảo vệ rủi ro và gia tăng thanh khoản, tạo cơ hội đầu tư linh hoạt hơn trên TTCK; đồng thời, đánh dấu sự hoàn thiện về cấu trúc thị trường với 3 cấu phần: thị trường cổ phiếu; thị trường trái phiếu; thị trường phái sinh.
(5) Phát triển và quản lý các quỹ đầu tư: Quy định rõ ràng hơn về quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản và Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã tạo ra nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư, đồng thời nâng cao sự đa dạng và phát triển của thị trường.
Những cải cách này đã giúp TTCK Việt Nam không chỉ phát triển về quy mô, mà còn tăng cường tính bền vững, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước; khẳng định sứ mệnh của một kênh huy động vốn quan trọng và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới các thị trường mới nổi trên thế giới.

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay: Hướng đến nâng hạng thị trường
Bước vào giai đoạn này, TTCK Việt Nam cũng như tất cả các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước gặp khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào những năm 2020–2021, dẫn đến suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm, cơ hội giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách nhìn nhận lại suốt chiều dài lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam để từ đó có những hướng đi dài hạn, tạo đà cho thị trường bước vào một giai đoạn phát triển mới. Minh chứng là vào ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 (Chiến lược). Cùng với Chiến lược, các chương trình hành động của Bộ Tài chính theo Quyết định số 941/QĐ-BTC ngày 23/4/2024 và Chương trình hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Quyết định số 624/QĐ-UBCK ngày 3/6/2024 triển khai thực hiện Chiến lược là những văn bản quan trọng, là “kim chỉ nam” trong lộ trình phát triển TTCK của Việt Nam.
Trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi đáng chú ý về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, cải thiện tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để đạt những mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra, nhằm đưa TTCK Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Tiêu biểu là Luật Chứng khoán năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021, quy định chặt chẽ hơn về phát hành chứng khoán. Theo đó, Luật quy định công ty niêm yết phải tuân thủ các tiêu chí khắt khe hơn về tình hình tài chính và quản trị DN. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hạn chế các công ty yếu kém tham gia vào thị trường; Tăng cường tính minh bạch: DN phải công bố thông tin một cách minh bạch và chi tiết hơn, kể cả thông tin về quản trị rủi ro, giao dịch nội bộ và giao dịch liên quan; Quy định về chứng khoán phái sinh và quỹ đầu tư: Luật mở rộng phạm vi các sản phẩm đầu tư như chứng quyền, trái phiếu xanh và các loại quỹ mới để đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục khắc phục những hạn chế tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 được Quốc hội ban hành.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản hướng dẫn Luật được ban hành như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán điều chỉnh về niêm yết và giao dịch cổ phiếu, quy định cụ thể về tiêu chuẩn niêm yết cổ phiếu, giúp hạn chế tình trạng doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn tham gia niêm yết. Tiếp đến là các nghị định quy định về sở hữu nước ngoài, thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; mở rộng quyền hạn của UBCKNN. Lúc này, UBCKNN được trao thêm quyền để giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư.
Hay như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; và Nghị định số 158/2020/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Nhiều thông tư hướng dẫn được ban hành. Trong đó, Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của CTCK và công bố thông tin trên TTCK.
Thông tư số 18/2025/TT-BTC ngày 26/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC với quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền. Quy định này cho thấy quyết tâm thu hút vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam, là một phần trong xu hướng đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho ngành chứng khoán. Thông tư số 68/2024/TT-BTC rất quan trọng, được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và thực hiện tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán được triển khai.
Ngày 23/12/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh. SGDCK Việt Nam ra đời là một cột mốc quan trọng của ngành chứng khoán, đánh dấu sự hoàn thiện của tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam. Động thái này chuẩn bị cho lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác đã và đang được thực hiện trong giai đoạn này.
Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, mở rộng thêm cơ hội cho nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nhiều đề án được nghiên cứu, xây dựng, triển khai, như: Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Đề án về cơ sở pháp lý cho việc huy động vốn thông qua phát hành tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa; Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế.
Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam được xây dựng sẽ là cơ sở pháp lý đầu tiên để đưa hoạt động tài sản mã hóa vào quản lý có kiểm soát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, hạn chế rủi ro, đồng thời phát huy nguồn lực mới từ công nghệ và dòng vốn quốc tế cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý để vận hành thị trường giao dịch các-bon nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững, hội nhập
Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đề ra mục tiêu là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường; trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững.
Bên cạnh mục tiêu trên, Chiến lược xác định đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Cùng với đó, để thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030.
Để hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng và đẩy nhanh nâng mức thu nhập bình quân đầu người trước năm 2030, TTCK sẽ thực hiện các sứ mệnh gồm: (1) Huy động vốn quy mô lớn, chi phí thấp; (2) Phân bổ hiệu quả dòng vốn; (3) Tăng độ mở và hội nhập; (4) Truyền dẫn chính sách linh hoạt giúp tối ưu hóa điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa, giữ lạm phát ổn định ở mức thấp; (5) Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quyết tâm đó đã được thể hiện qua các nhóm giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý: xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm kịp thời khắc phục các bất cập trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.
Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường.
Thứ ba, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung.
Thứ tư, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư, nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thông tin trên TTCK.
Thứ sáu, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về chứng khoán.
Thứ bảy, tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Thứ tám, tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ chín, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, có thể khẳng định, TTCK Việt Nam đã tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đưa nước ta đạt đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030. Mục tiêu hướng tới năm 2030, thị trường không chỉ “nâng hạng”, mà còn định hình chuẩn mực mới – một thị trường minh bạch, bền vững, mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư và dẫn dắt dòng vốn cho mục tiêu “Việt Nam hùng cường 2045.”