Tiếp tục đồng hành và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025, ngày 23/4, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và làm việc với đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tiêu biểu tại Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định, trong thời gian qua, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Riêng trong năm 2024 vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đã đạt gần 38,23 tỷ USD.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (bao gồm cả dầu thô) ước đạt gần 290,8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023, đóng góp ấn tượng với 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực FDI cũng chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều doanh nghiệp FDI tiêu biểu đang hoạt động tại Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ về những thách thức thực tế mà họ đang đối mặt.
Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo ông, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp giữ chân và hỗ trợ người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề dễ bị tổn thương.
Song song đó là việc tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng thống nhất đề xuất Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó là chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và logistics - những lĩnh vực đang định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp FDI tại buổi làm việc, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đã khái quát lại 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới. Đó là: cải cách hành chính và thể chế; xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chính sách điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi về thuế và môi trường kinh doanh toàn cầu.
“Việt Nam đang tiếp cận với cách làm mới, phù hợp hơn với bối cảnh phát triển và sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.
Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng nhấn mạnh đến yêu cầu về sự phát triển bền vững của nền kinh tế cần sự phối hợp hai chiều; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp FDI tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái kinh tế vững mạnh và gắn kết./.