Triển khai quy định về thủ tục và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4812/BTC-QLCS đề nghị các cơ quan từ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 77/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Nghị định số 77/2025/NĐ-CP)

Nghị định số 77/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025, thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, với nhiều điểm đổi mới đáng chú ý, thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài sản công.
Vì thế, để triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao theo quy định tại Nghị định.
Cụ thể là tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 77/2025/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan; đảm bảo các đối tượng chịu sự tác động của nghị định nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung nghị định và các văn bản hướng dẫn.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, địa phương đã ban hành liên quan đến xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (nếu có) để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 77/2025/NĐ-CP.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị công khai danh sách các cơ sở thuộc Bộ quản lý được nhận chuyển giao tài sản quy định tại Điểm d, Điểm đ, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 77 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (theo Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 77/2025/NĐ-CP).
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn việc xử lý đối với tài sản là gỗ bị tịch thu; hướng dẫn việc xử lý tài sản là động vật, thực vật rừng; động vật, thực vật, thủy sản hoang dã thuộc những loài nguy cấp, quý hiếm nhóm I ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP) và những loài thuộc Phụ lục I của Công ước CITES (theo Khoản 9, Điều 8 Nghị định số 77/2025/NĐ-CP).
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai danh sách các cơ sở thuộc UBND cấp tỉnh quản lý được nhận chuyển giao tài sản theo quy định; đồng thời chỉ đạo báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố đơn vị chủ trì quản lý tài sản đối với tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước thông qua chính quyền địa phương; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam thông qua chính quyền địa phương theo cam kết sau khi kết thúc thời gian hoạt động (theo khoản 4 Điều 105 Nghị định số 77/2025/NĐ-CP).
Cùng với đó, UBND ban hành văn bản phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo các quy định tại Nghị định số 77/2025/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương thực hiện tương tự các nhiệm vụ nêu trên.
9 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị định số 77/2025/NĐ-CP của Chính phủ gồm:
1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
2. Bất động sản vô chủ.
3. Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.
4. Tài sản là di sản không có người thừa kế.
5. Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ lại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan).
6. Tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam không thuộc trường hợp quy định tại các Điểm d, đ, e, g, i và k, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 Nghị định này.
7. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
8. Tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
9. Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.