Tuyên truyền hiệu quả - Chìa khóa thành công của Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
Thông tin tuyên truyền về Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được truyền tải chính xác, kịp thời và dễ hiểu đến cộng đồng. Qua đó, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng, giúp cuộc Tổng điều tra đi đến thành công.

Tổng Điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp thông tin toàn diện phục vụ hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trong giai đoạn mới. Để cuộc Tổng điều tra diễn ra đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành và người dân, công tác tuyên truyền giữ vai trò then chốt.
Thông qua công tác tuyên truyền, thông tin cơ bản được cung cấp tới các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra trong việc thu thập thông tin chính xác về tình hình sản xuất nông nghiệp, đất đai, lao động và đời sống nông thôn; từ đó hỗ trợ việc hoạch định chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Việc tuyên truyền cũng giúp đảm bảo sự minh bạch trong quá trình Tổng điều tra; tạo dựng sự tin tưởng để các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đồng thời, thúc đẩy sự chủ động hợp tác với chính quyền, cơ quan thống kê, điều tra viên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu thập thông tin. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn nâng cao ý thức về quyền lợi và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của từng tổ chức, cá nhân đối với sự phát triển bền vững của nông thôn, nông nghiệp.
Cuộc Tổng điều tra không chỉ thu thập thông tin về hiện trạng sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn mà còn cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Để triển khai một cách hiệu quả, công tác tuyên truyền cần phải đáp ứng một số yêu cầu như:
Một là, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa và có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung và hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, chính xác, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo hiệu quả, thiết thực;
Hai là, công tác tuyên truyền cần thực hiện trước, trong và sau Tổng điều tra; trong đó tập trung cao điểm vào thời điểm, thời gian tiến hành Tổng điều tra đã được quy định trong Phương án điều tra;
Ba là, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong công tác tuyên truyền; khuyến khích huy động các nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ cho công tác tuyên truyền Tổng điều tra.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ về nội dung và hình thức tuyên truyền giữa Cục Thống kê; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp.

Thực tế cho thấy, khi thông tin được truyền tải chính xác, kịp thời và dễ hiểu đến cộng đồng, sự đồng thuận và hưởng ứng sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho thành công của cuộc Tổng điều tra.