Tạo thông thoáng về cơ chế tài chính cho triển khai dự án PPP, BT
Tại hồ sơ Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) mà Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định đưa ra nhiều nội dung mới.
Cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế
Tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua một số luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật số 57/2024/QH15); Luật Chứng khoán, Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15; Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2025 (Luật số 90/2025/QH15).

Theo đó, một số quy định mới tại các luật liên quan trực tiếp đến các quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư như: Bổ sung quy định về loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, bổ sung các nguồn vốn nhà nước sử dụng để thanh toán cho cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu, thanh toán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn... Điều này đòi hỏi cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 28/2021/NĐ-CP cho phù hợp.
Mặt khác, theo kết quả rà soát, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 28/2021/NĐ-CP tại văn bản số 11547/BTC-ĐT ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính cho thấy, một số quy định của Nghị định số 28/2021/NĐ-CP cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT (thay thế Nghị định số 28/2021/NĐ-CP) là cần thiết, đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định tại luật liên quan. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 28/2021/NĐ-CP.
Đề xuất nhiều nội dung mới
Tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp 8, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT (thay thế Nghị định số 28/2021/NĐ-CP).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã hoàn tất xây dựng dự thảo Nghị định và vừa gửi hồ sơ thẩm định sang Bộ Tư pháp.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo hướng tăng cường vai trò của nhà đầu tư khi xác định phần doanh thu cần chia sẻ.
Dự thảo Nghị định này quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP và cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước (dự án BT), quyết toán vốn đầu tư công trình, dự án BT hoàn thành.
Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư trong quá trình rà soát các vướng mắc Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 28/2021/NĐ-CP đã bổ sung, sửa đổi một số quy định cho phù hợp hơn, đảm bảo quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng PPP.
Theo đó, bổ sung quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư từ giai đoạn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khi ký kết hợp đồng PPP. Đồng thời, bổ sung quy định về sử dụng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng tương ứng với phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP.
Ngoài ra, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu và mức vốn cho vay của các dự án PPP khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023) cho phù hợp với tính chất của các dự án PPP.
Về các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính, để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh phân cấp trong triển khai thực hiện dự án PPP và tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền được ủy quyền hoặc giao một đơn vị trực thuộc quản lý phần vốn Nhà nước trong dự án PPP.
Ngoài ra, đối với nguồn vốn chuẩn bị đầu tư không phải là nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nhà cung cấp vốn có quy định khác về quản lý sử dụng nguồn vốn chuẩn bị đầu tư khác so với quy định về ngân sách nhà nước: Dự thảo Nghị định phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tự chịu trách nhiệm về việc huy động, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán đối với nguồn vốn hợp pháp phù hợp với quy định của nguồn vốn này và quy định của pháp luật có liên quan.