VIS Rating xếp hạng tín nhiệm A- đối với VNDirect: Triển vọng ổn định, rủi ro vẫn hiện hữu

Minh Lâm

Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) vừa công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành dài hạn đối với CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) ở mức A-, với triển vọng ổn định.

Đây là lần đầu tiên VNDirect được VIS Rating đánh giá tín nhiệm chính thức, cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao minh bạch tài chính, nhưng cũng phản ánh nhiều yếu tố rủi ro cần kiểm soát trong chiến lược tăng trưởng trung và dài hạn.

Năng lực tài chính ổn định nhưng thận trọng về rủi ro tài sản

Mức xếp hạng A- được đưa ra trên cơ sở đánh giá năng lực tín dụng độc lập ở mức trên trung bình, trong khi khả năng nhận hỗ trợ từ công ty liên kết hoặc Chính phủ trong trường hợp cần thiết được VIS Rating đánh giá là thấp.

Nguồn: VIS Rating.
Nguồn: VIS Rating.

VNDirect hiện là một trong ba công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn nhất thị trường tính đến cuối năm 2024. Công ty duy trì ROAA ở mức 4,0%, cải thiện so với mức 3,2% năm 2022, nhờ thị trường trái phiếu phục hồi và hoạt động kinh doanh công cụ thu nhập cố định chiếm tỷ trọng lớn (52% lợi nhuận hoạt động trong 3 năm gần đây). Tuy nhiên, thu nhập từ cho vay ký quỹ và môi giới sụt giảm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng từ sự cố tấn công mạng nửa đầu năm 2024.

Theo VIS Rating, Rủi ro tài sản của VNDirect vẫn là điểm cần lưu ý. Khoảng 30% tổng tài sản của Công ty nằm trong nhóm tài sản có rủi ro cao, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu chưa niêm yết, và các khoản phải thu. Danh mục trái phiếu có một số khoản phát hành bởi doanh nghiệp bất động sản và năng lượng đã chậm trả gốc lãi trong giai đoạn 2023–2024. VIS Rating đánh giá khẩu vị rủi ro của VNDirect ở mức dưới trung bình, mặc dù công ty đã có kế hoạch siết chặt tiêu chí lựa chọn trái phiếu và đẩy mạnh đầu tư vào các tổ chức tín dụng thay vì doanh nghiệp tư nhân có rủi ro pháp lý.

Cấu trúc vốn vững, cần cải thiện chất lượng tài sản

Về mặt cấu trúc vốn, VNDirect ghi nhận tỷ lệ đòn bẩy giảm từ 3,9 lần (2020) xuống 2,4 lần (2024) – thấp hơn mức trung bình ngành là 2,5 lần – nhờ tăng vốn gần 10.000 tỷ đồng trong 4 năm qua. Theo đánh giá của VIS, khả năng tiếp cận nguồn vốn đa dạng từ các ngân hàng trong nước và quốc tế là điểm cộng lớn trong hồ sơ tín dụng của công ty. Các khoản vay từ ngân hàng quốc doanh chiếm đến 60% tổng giá trị vay cuối năm 2024; ngoài ra, VNDirect còn nhận được các khoản vay hợp vốn từ Cathay United Bank, Maybank, Taipei Fubon Bank.

Công ty cũng lên kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không tài sản bảo đảm kỳ hạn 1–3 năm trong năm 2025, nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn. Tỷ lệ tài sản thanh khoản của VNDirect hiện đạt 101% tổng tài sản, tương đương với mặt bằng chung của Ngành.

Mặc dù triển vọng xếp hạng được duy trì ở mức “ổn định”, VIS Rating lưu ý rằng việc nâng hạng chỉ có thể diễn ra nếu công ty thành công trong việc giảm thiểu rủi ro tài sản, duy trì tăng trưởng ổn định ở mảng công cụ thu nhập cố định, đồng thời tiếp tục cải thiện chất lượng tín dụng và cấu trúc vốn.

Trong khi đó, việc tăng tỷ trọng tài sản rủi ro, sụt giảm khả năng sinh lời (ROAA <3%) hoặc gia tăng rủi ro thanh khoản có thể là những yếu tố khiến mức xếp hạng bị điều chỉnh giảm trong thời gian tới.