Xây dựng Thông tư mới về phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan Trung ương thực hiện
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện. Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững và hiệu quả.

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể ba loại phí do cơ quan Trung ương thực hiện thu, gồm: Phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác, sử dụng nước dưới đất; Phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất; Phí thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển.
Người nộp phí bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả hộ gia đình) có đề nghị cấp, gia hạn hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép liên quan đến thăm dò nước dưới đất, khai thác tài nguyên nước, hoặc hành nghề khoan nước dưới đất.
Tổ chức thu phí là tổ chức được giao nhiệm vụ thẩm định đề án, báo cáo, hồ sơ xin cấp phép nói trên theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Dự thảo quy định, mức thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước sẽ được quy định cụ thể trong Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này. Việc nộp phí thực hiện theo hình thức được quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp và kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Theo đó, chậm nhất vào ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải nộp số tiền phí đã thu trong tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, tổ chức thu phí cũng phải thực hiện đầy đủ việc kê khai, thu, nộp và quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Dự thảo quy định rõ nguyên tắc phân chia và sử dụng số tiền thu phí. Cụ thể, tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ và thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Phần còn lại, tương đương 30% số tiền thu phí, sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không được phép sử dụng nguồn thu phí cho hoạt động chi thường xuyên theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP, thì toàn bộ số tiền phí thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước. Khi đó, các khoản chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí sẽ do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của tổ chức thu, theo chế độ và định mức chi tiêu ngân sách được quy định.
Việc ban hành Thông tư này nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước – một nguồn tài nguyên thiết yếu, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.