Thu hút FDI và mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số:
Bài 3: Cơ hội chuyển mình từ chuyển dịch chiến lược thu hút FDI
Với sự chuyển dịch về cách tiếp cận và chiến lược thu hút vốn đầu tư theo hướng xanh và tinh hơn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình sang nền sản xuất thông minh, tạo bước đà nhanh và vững để đẩy nhanh bứt phá tốc độ tăng trưởng và gia tăng giá trị nội hàm kinh tế.

Bước chuyển lớn về chất lượng dòng vốn
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian trở lại đây, đã có sự chuyển dịch rất rõ nét về chất lượng thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, thể hiện qua sự gia tăng giá trị và hàm lượng xanh hơn, tinh hơn của các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ năm 2023, 2024.
Trong giai đoạn này, theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, có 40 dự án lớn có quy mô vốn đăng ký từ 100 triệu USD trở lên, đáng chú ý trong đó có khoảng 10 dự án trên 1 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ tương lai, thể hiện sự chuyển dịch coi trọng thu hút các công nghệ lớn của các tập đoàn lớn và của các nước có công nghệ nguồn trong chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.
Nhiều dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, như: bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao. Cùng với dự án tăng vốn của Amkor, còn hàng loạt dự án khác trong lĩnh vực này, gồm: Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Tập đoàn Foxconn, vốn đầu tư 383,3 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh, vốn đầu tư 280 triệu USD; Dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam, vốn đầu tư 260 triệu USD…
Không chỉ thu hút các dự án công nghiệp, Việt Nam còn là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: NVIDIA, Qualcomm, Intel, AMD, Samsung, Meta đã có mặt và cam kết đầu tư vào Việt Nam tại nhiều sự kiện lớn.
Đặc biệt Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam, khẳng định cam kết mạnh mẽ đưa Việt Nam trở thành “ngôi nhà thứ hai của NVIDIA”, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Cùng với đó, năm 2024, nước ta đã thu hút được nhiều dự án FDI bán dẫn với giá trị cao và sức lan tỏa rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, cụ thể như: LG Display tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 5,65 tỷ USD. Samsung công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD tại Nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh. Heesung, Hàn Quốc tăng vốn đầu tư từ 154 triệu USD lên 279 triệu USD. Công ty TNHH Công nghệ Shunsin Việt Nam - một thành viên của Tập đoàn Foxconn - thông báo kế hoạch đầu tư 80 triệu USD cho dự án sản xuất vi mạch tích hợp tại Bắc Giang. Universal Microwave Technology, một nhà cung cấp linh kiện cho SpaceX - công ty của tỷ phú Elon Musk đang lên kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý, gần đây, nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn đẩy nhanh việc triển khai đánh giá, khảo sát, nghiên cứu khả thi, tìm kiếm đối tác đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với giá thành phù hợp, trong đó có Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng với Công ty Copenhagen Offshore Partners (COP) của Đan Mạch đều khẳng định cam kết đầu tư vào các dự án dài hạn tại Việt Nam.
Đây có thể coi là những điểm sáng trong bước ngoặt chuyển biến cả về chất và lượng của dòng vốn FDI thu hút vào Việt Nam giai đoạn này, góp phần đưa Việt Nam nổi lên trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cơ hội chuyển mình
Theo ông Ngô Lĩnh Vân, CEO của Sunrise Big Data, năm 2025 là một "nút" quan trọng trong việc mở ra tương lai chế tạo thông minh, thông qua việc tăng tốc nâng cấp sản xuất thông minh dưới sự thúc đẩy toàn cầu hóa chuỗi cung ứng AI kỹ thuật số. Trong xu thế này, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thông minh của Đông Nam Á.
Từ góc nhìn của một chuyên gia số, CEO của Sunrise Big Data cho rằng, hiện nay chuỗi cung ứng toàn cầu đang được điều chỉnh sâu sắc, trong khi đó, với vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động chất lượng và những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất thông minh mới nổi, đặc biệt là vật liệu bán dẫn thông tin điện tử.
Như vậy, trong bối cảnh ngành sản xuất thông minh toàn cầu đang đón nhận những cơ hội chưa từng có, các chuyên gia đều có chung nhận định: Việt Nam, với vị thế là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội chuyển mình khi trở thành điểm nóng đầu tư công nghiệp toàn cầu nhờ vào lợi thế vị trí địa lý độc đáo cùng những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chiến lược thu hút FDI và phát triển kinh tế nói chung mà Đảng và Chính phủ đang tập trung triển khai.

Cùng với tận dụng các lợi thế hiện có của kinh tế Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI, trong thời gian qua, Chính phủ có những quyết sách nhằm tạo dựng cơ hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận làn sóng FDI thế hệ mới.
Việt Nam đã thành lập đưa vào vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thực hiện mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030. Chính phủ và các địa phương cũng đang thực thi giải pháp nhằm đảm bảo năng lượng ổn định, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), điều này cho thấy, chúng ta có đủ điều kiện để có thể thực hiện chiến lược trở thành cường quốc mới nổi trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và AI.
"Với việc hợp tác với các trường đại học tại Thung lũng Silicon của Mỹ để đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và AI từ nay đến năm 2030, cùng các chương trình hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ việc thành lập NIC, chúng ta sẽ thu hút các tập đoàn đầu tư vào công nghệ nguồn và công nghệ tương lai, đẩy nhanh việc chuyển dịch sang nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bứt phá tăng trưởng 2 con số", GS. TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.