Lâm Đồng: Định hướng phát triển khu công nghiệp sau sáp nhập
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung đầu tư hoàn thành 9 khu công nghiệp hiện có và tiếp tục xem xét mở rộng, phát triển mới 6 khu công nghiệp với quy mô xấp xỉ 4.900 ha.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2030, địa phương sẽ tập trung đầu tư hoàn thành 9 khu công nghiệp (KCN) hiện có và tiếp tục xem xét mở rộng, phát triển mới 6 KCN với quy mô xấp xỉ 4.900 ha.
Đồng thời đề xuất bổ sung 6 KCN với diện tích 3.440 ha vào quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới hình thành chuỗi các KCN nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý.
Được biết, trước thời điểm sáp nhập, tỉnh Bình Thuận (cũ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển 9 KCN với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, hầu hết có vị trí ven biển và dọc theo quốc lộ 1A.
Đến nay đã có 7 KCN được chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng với diện tích gần 1.400 ha.
Hiện các KCN nơi đây đã thu hút 93 dự án (gồm 66 dự án đầu tư trong nước, 27 dự án đầu tư nước ngoài) có tổng vốn đăng ký hơn 17.415 tỷ đồng và 328,41 triệu USD, tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động…
Ngoài ra, nơi đây còn có 3 dự án quy mô lớn là Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II, Kho cảng khí nhiên liệu hóa lỏng có tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Sơn Mỹ 1.
Đặc biệt với ngành công nghiệp chế biến- chế tạo, mới đây thêm dự án Nhà máy Công nghiệp Neotek Việt Nam có tổng vốn đầu tư 88 triệu USD đã khởi công xây dựng tại KCN Hàm Kiệm II.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho 1.000 lao động chuyên sản xuất phụ tùng má phanh ô tô xuất khẩu sang Mỹ…
Thời gian qua, địa phương xác định động lực tăng trưởng của các KCN nơi đây là công nghiệp chế biến- chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông- lâm- thủy sản, thương mại- dịch vụ và logistics gắn với hoạt động khai thác cảng biển.
Cùng với đó chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đối với một số KCN ven biển để mời gọi dự án điện khí quy mô lớn, tiếp tục phát triển hình thành các KCN mới và khu kinh tế…
Thực tế cho thấy, sau khi sáp nhập thì nơi đây không những tập trung nhiều KCN nhất của cả tỉnh Lâm Đồng mới mà còn sở hữu tiềm năng, lợi thế về thu hút dự án công nghiệp nhờ hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh.
Như có tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam gồm 3 đoạn Cam Lâm- Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo- Phan Thiết, Phan Thiết- Dầu Giây được đưa vào khai thác từ giữa năm 2023.
Trong khi Cảng quốc tế Vĩnh Tân đã đi vào hoạt động và Sân bay Phan Thiết đang đầu tư xây dựng, sau này sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc Bắc- Nam đi qua địa bàn.
Được biết hiện nay, các KCN ở địa bàn ven biển của tỉnh Lâm Đồng mới còn quỹ đất khá lớn, giá cho thuê cạnh tranh và có nguồn lao động dồi dào. Vì vậy nơi đây vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược và địa phương sẵn sàng đón nhận sự dịch chuyển dự án từ các khu chế xuất, KCN tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương để khai thác những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của vùng.