Cần chiến lược dài hơi để giữ vững vị thế xuất khẩu nông sản
Trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế - chính trị toàn cầu và áp lực từ các rào cản thương mại, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững vai trò trụ cột khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần một chiến lược linh hoạt, toàn diện hơn trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.
Cơ hội và thách thức đan xen
Trong 6 tháng đầu năm 2025, nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, dù đối mặt với nhiều thách thức như thuế đối ứng của Hoa Kỳ, biến đổi khí hậu và biến động giá cả trên thị trường toàn cầu.
Theo thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt khoảng 57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 33,5 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 23,5 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Đa số các mặt hàng nông sản chủ lực chính duy trì được đà tăng trưởng như: Cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều. Tuy nhiên, một số mặt hàng lại có xu hướng giảm, như rau quả: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2024; gạo: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2024…
Đánh giá về thị trường nông sản 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Quốc Lân - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trước những biến động của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, cùng với thay đổi trong chính sách của các quốc gia nhập khẩu chủ chốt và những hạn chế về năng lực nội tại, nông sản Việt Nam đang đứng trước cả thuận lợi lẫn thách thức trong quá trình phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo.
Về mặt tích cực, nhu cầu tiêu dùng nông sản như gạo, rau quả, cà phê và thủy sản tiếp tục tăng mạnh tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
“Chính phủ cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thông qua phát triển vùng nguyên liệu, cải cách hành chính, chuyển đổi số và nông nghiệp xanh. Vị trí địa lý thuận lợi, chất lượng nông sản được nâng cao cùng với việc ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Lân nêu rõ.
Tuy nhiên, nông sản Việt Nam cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Thiếu vốn, thiếu công nghệ và chuyển đổi số chậm là rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp và nông hộ. Chính sách thuế mới và rào cản thương mại từ Hoa Kỳ có nguy cơ làm giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu. Các tiêu chuẩn khắt khe từ EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường và lao động bền vững khiến chi phí tuân thủ tăng cao.
Hệ thống logistics còn yếu, thiếu kho lạnh, vận chuyển chuyên dụng. Nông sản vẫn xuất khẩu thô là chủ yếu, liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế và sản xuất tự phát tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Cần chiến lược linh hoạt để giữ đà tăng trưởng
Theo kế hoạch giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản dự kiến đạt khoảng 31,6 tỷ USD, giảm khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, tương ứng mức sụt giảm khoảng 1,6 tỷ USD, trong kịch bản thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ được giữ nguyên như hiện tại.
Trước dự báo này, ông Nguyễn Quốc Lân cho rằng mục tiêu là hoàn toàn khả thi. “Nếu xem xét một cách toàn diện các yếu tố như chính sách thương mại, điều kiện thời tiết, diễn biến thị trường và năng lực nội tại của ngành, thì mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 31-32 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm là trong tầm tay, miễn là không có biến động lớn về thuế từ phía Hoa Kỳ và thời tiết không xảy ra hiện tượng cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất”, ông Lân phân tích.
Theo ông Nguyễn Quốc Lân, trong những tháng cuối năm 2025, nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ như thuế quan của Hoa Kỳ, rủi ro khí hậu (hạn hán, dịch bệnh), cạnh tranh gay gắt từ các nước có lợi thế và các rào cản phi thuế quan (tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,…) đòi hỏi Việt Nam phải ứng phó linh hoạt.
Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược, trong đó tập trung vào ứng phó chính sách thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản.
Trước hết, Việt Nam cần tăng cường đối thoại và đàm phán song phương với Hoa Kỳ nhằm giảm thuế nhập khẩu và duy trì thị phần cho các mặt hàng chủ lực như thủy sản, cà phê. Song song đó, cần sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tiêu chuẩn theo các FTA. Ngoài ra, việc cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và đẩy nhanh cải cách thủ tục hải quan cũng là giải pháp cấp thiết để giảm thiểu tác động từ các rào cản thương mại.
Tiếp theo, để giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng nền tảng số, tăng cường đào tạo về quy tắc xuất xứ, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng chiến lược như gạo ST25, cà phê robusta, tôm.
Cuối cùng, cần khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu để nâng cao giá trị, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu thô. Việc áp dụng nông nghiệp thông minh (IoT, AI, dữ liệu lớn), mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp là yếu tố then chốt. Đồng thời, cần cải thiện hạ tầng logistics, đầu tư kho lạnh, vận chuyển chuyên dụng và nâng cao năng lực nguồn nhân lực qua đào tạo và hợp tác nghiên cứu, tạo nền tảng vững chắc cho nông sản Việt Nam phát triển dài hạn.