CAR ở mức thấp, trình Quốc hội hỗ trợ 5.000 tỷ đồng ngân sách tăng vốn cho Co-opBank

Hương Dịu

Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank).

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Co-opBank. Nguồn: Co-opBank
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Co-opBank. Nguồn: Co-opBank

Theo dự kiến tại chương trình Phiên họp thứ 44 vào ngày 23/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trước đó, theo quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank từ nguồn ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 9.

Co-opBank tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương được thành lập từ năm 1995. Hiện Co-opBank có mạng lưới hoạt động gồm trụ sở chính, 32 chi nhánh và 66 phòng giao dịch, cùng gần 1.200 QTDND.

Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của gần 2 triệu thành viên tại 57/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo thông tin từ Co-opBank, tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của đạt gần 62.000 tỷ đồng, tăng 523 lần so với năm 1995; huy động vốn đạt hơn 55.000 tỷ đồng tăng 4.746 lần so với năm 1995; dư nợ cho vay đạt gần 37.000 tỷ đồng tăng 567 lần so với năm 1995.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngày 19/4/2025, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank cho hay, với vai trò là ngân hàng của các QTDND, Co-opBank đã luôn hỗ trợ tích cực cho hoạt động của hệ thống QTDND…

Vì thế, từ năm 2015 đến nay, tổng tài sản của hệ thống QTDND là hơn 192.000 tỷ đồng tăng 429 lần; vốn điều lệ 7.856 tỷ đồng tăng 755 lần, vốn huy động hơn 170.000 tỷ đồng tăng 626 lần, dư nợ cho vay hơn 139.000 tỷ đồng tăng 362 lần, nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

Các cán bộ chi nhánh Co-opBank đang tư vấn, hỗ trợ QTDND phường Minh Phương, Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Co-opBank 
Các cán bộ chi nhánh Co-opBank đang tư vấn, hỗ trợ QTDND phường Minh Phương, Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Co-opBank 

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống QTDND chiếm 13,6% dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nhưng năng lực tài chính của Co-opBank không theo kịp tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu hỗ trợ của các QTDND thành viên.

Tính đến hết ngày 31/12/2024, vốn điều lệ của Co-opBank chỉ có 3.029 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của nhà nước chiếm 99,34%), xấp xỉ mức vốn pháp định (mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng), thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, chưa bằng 1/15 vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, chỉ bằng 38,5% vốn điều lệ và 1,5% tổng tài sản của hệ thống QTDND.

Với vai trò là đơn vị đầu mối hệ thống QTDND, Co-opBank không chỉ đảm bảo các tỷ lệ an toàn cho bản thân mà còn phải đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống QTDND.

Tuy vậy, hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Co-opBank còn thấp so với bình quân chung của ngành Ngân hàng, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vốn cần có để thực hiện các mục tiêu, chức trách, nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến nay, Co-opBank chưa có khả năng thực hiện CAR theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN mà đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (CAR tối thiểu là 9%). Đến ngày 31/3/2025, CAR của Co-opBank là 10,3%, giảm 1,8% so với cuối năm 2024.

Vì thế, để đảm bảo mục tiêu CAR đạt 13,5% vào năm 2026 thì mức vốn tự có tại thời điểm 31/12/2026 là 9.419 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tài sản có rủi ro dự kiến là 69.768 tỷ đồng). Mức vốn tự có của Co-opBank tại ngày 31/12/2026 (trong trường hợp không được tăng vốn điều lệ) là 4.416 tỷ đồng.

Co-opBank xác định số vốn tự có thiếu hụt là 5.000 tỷ đồng. Căn cứ các quy định thì Co-opBank thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ vốn để tăng vốn điều lệ, nguồn vốn thực hiện từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương hàng năm.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc hỗ trợ 5.000 tỷ đồng vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho Co-opBank và đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp của Quốc hội.

Mức vốn điều lệ tăng thêm được sử dụng để làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh của Co-opBank, đầu tư phát triển và chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu chung là để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ CAR theo quy định và đủ nguồn lực để tăng cường khả năng hỗ trợ các QTDND trên cả nước...

 

Tại một hội thảo gần đây về mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư địa phát triển của hệ thống QTDND là rất lớn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng cao cùng quyết tâm đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính. Hơn nữa, yêu cầu về phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam rất lớn khi có khoảng gần 60% dân số và lao động của Việt Nam vẫn đang sống ở các vùng nông thôn và tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp...

Do đó, TS. Cấn Văn Lực đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng mới; đổi mới cơ chế quản lý, giám sát hệ thống QTDND theo hướng phân cấp quy mô tài sản, điều kiện quản trị rủi ro và năng lực cán bộ.