Đối thoại chính sách âm nhạc: Từ lắng nghe đến hành động
Ngày 20/4/2025, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” tại TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện quy tụ đông đảo đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất âm nhạc và các hội, hiệp hội chuyên ngành. Đây là lần đầu tiên một cuộc đối thoại mở quy mô lớn được tổ chức giữa các cơ quan quản lý với cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Chương trình nhằm ghi nhận phản ánh từ thực tiễn, nhận diện các rào cản và đề xuất giải pháp phát triển thị trường âm nhạc trong nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và có khả năng vươn ra quốc tế.
Doanh nghiệp âm nhạc cần một môi trường “dễ thở” hơn
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp như Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Vietfest, Yeah1... đã thẳng thắn chia sẻ những “nút thắt” khiến ngành âm nhạc trong nước khó bứt phá, như: quy trình cấp phép biểu diễn còn rườm rà, chính sách thuế và tài chính thiếu rõ ràng, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, và đặc biệt là những bất cập trong cơ chế bảo vệ bản quyền âm nhạc.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của công nghệ trong sản xuất, phát hành và khai thác sản phẩm âm nhạc, đồng thời đề xuất thúc đẩy hợp tác công – tư, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh liên kết ngành để hình thành hệ sinh thái âm nhạc hiện đại.
Không chỉ tập trung vào chính sách, các đại biểu còn kiến nghị tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm nghề. Một số doanh nghiệp đề xuất cần có cơ chế ưu đãi thuế cho nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, cũng như xem xét công nhận livestream như một ngành nghề chính thức trong nền kinh tế số.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn. “Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới”, ông nhấn mạnh.
Cùng chủ trì hội nghị còn có NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, bà Trần Thị Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Văn nghệ (Ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương), cho thấy sự quan tâm sâu sắc của nhiều cấp, ngành đối với sự phát triển của công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Lan toả nhận thức cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ
Cũng trong tối cùng ngày, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình nghệ thuật “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” đã thu hút đông đảo người dân TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tổ chức.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Đức Trí, Hoài An, ca sĩ Võ Hạ Trâm, nhóm MTV, Kai Đinh, rapper Bảo Kun... đã chia sẻ những câu chuyện thực tế trong hành trình bảo vệ quyền lợi sáng tạo của mình, từ đó kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao nhận thức và hành động vì quyền sở hữu trí tuệ.
Khán giả cũng được thưởng thức các ca khúc mới viết về TP.HCM và những tác phẩm mang thông điệp rõ ràng về bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Tại sự kiện, Ban tổ chức đã vinh danh các nghệ sĩ, nhạc sĩ có đóng góp tích cực trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc, các đơn vị kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ bản quyền, đồng thời trao quà động viên các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.