Eximbank hướng tới mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% trong năm 2025

Hương Dịu

Lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh, Ngân hàng đang tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro, kiểm soát chặt nợ xấu và nỗ lực xử lý nợ xấu ở các giai đoạn trước. Mục tiêu của Eximbank là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% trong năm 2025.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên Eximbank diễn ra vào ngày 29/4/2025 tại Hà Nội.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên Eximbank diễn ra vào ngày 29/4/2025 tại Hà Nội.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra vào ngày 29/4/2025, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025.

Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10,7% lên 265.500 tỷ đồng, huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 16,2% lên mức 195.500 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm 2024.

Lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh, Eximbank sẽ tái cấu trúc tài chính và danh mục tài sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phát huy mô hình xử lý nợ tập trung.

 

Về kinh doanh, thời gian tới, Eximbank đầu tư cho chuyển đổi số, thay đổi mạnh mẽ về tư duy số hóa toàn diện.

Ngân hàng tập trung vào thế mạnh của mình ở mảng xuất nhập khẩu, tập trung tối ưu hóa lợi ích, giao dịch tài trợ thương mại, tăng thu nhập từ phí dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ thay vì chỉ cạnh tranh bằng lãi suất.

Eximbank đã được nhiều đối tác nước ngoài cấp hạn mức tài trợ lớn, từ 200-400 triệu USD, phục vụ tài trợ thương mại.

Eximbank đã có lộ trình triển khai Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS đưa việc công bố thông tin đến chuẩn mực quốc tế. Basel III được xem là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng...

Vì thế, về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng. Nhưng ĐHĐCĐ đã thông qua phương án không chia cổ tức, theo ban lãnh đạo Eximbank là nhằm mục đích củng cố năng lực tài chính.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hải – Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, từ năm 2025, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp nâng tỷ lệ an toàn vốn, mở rộng hạn mức tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đảm bảo ở mức ổn định 12% theo quy định của NHNN. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, Eximbank tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro, kiểm soát chặt nợ xấu và nỗ lực xử lý nợ xấu ở các giai đoạn trước. Mục tiêu của Eximbank là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% trong năm 2025.

Lãnh đạo Eximbank cũng nêu, một điểm thuận lợi lớn cho công tác xử lý nợ xấu đó là tài sản thế chấp của Eximbank rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ.

Hơn nữa, sắp tới, Ngân hàng sẽ thực hiện tinh gọn, tối ưu và nâng cao hiệu quả hoạt động, mang đến lợi ích cho khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên.

Vấn đề nhân sự, với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã bầu ra 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: Ông Nguyễn Cảnh Anh, bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Tuấn Anh và 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.

Trong đó có một đại diện là ông Phạm Tuấn Anh - lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm tại GELEX, đơn vị hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 10% vốn điều lệ tại Eximbank.

Cùng với đó, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 đề cử có hai thành viên độc lập nhằm đảm bảo yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Đại hội cũng thống nhất bầu ra 5 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ này gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.

Đại hội cũng thông qua quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6% nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời sửa đổi, bổ sung điều lệ Eximbank; thông qua việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở chính của Eximbank tại TP Hồ Chí Minh cùng các nội dung quan trọng khác.