“Giấc mơ” điều trị đột quỵ miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Thu Dịu

Ngày 20/4, thông tin tại hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền Phong và Đại học Quốc tế Hồng Bàng phối hợp tổ chức, các chuyên gia cho biết, đột quỵ hiện là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu tại Việt Nam, với ước tính 200.000-250.000 ca mắc mới mỗi năm.

Gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng và xã hội

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, chi phí toàn cầu ước tính của đột quỵ là hơn 890 tỷ USD chiếm 0,66% tổng GDP toàn cầu. Sự gia tăng liên tục gánh nặng của đột quỵ là một thách thức lớn đối với các hệ thống y tế trên thế giới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình do bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%. Có nghĩa cứ 2 người bị đột quỵ thì mất đi một lao động, cho dù điều trị tại trung tâm chất lượng cao.

Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ nhấn mạnh, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người rơi vào tình trạng tàn phế.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, tức trung bình mỗi ngày có hơn 500 trường hợp, trong đó không ít là người trẻ tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Riêng tại TPHCM, mỗi ngày có hơn 300 ca nhập viện vì đột quỵ, chiếm tới 10% số giường bệnh và khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Đáng nói hơn, đột quỵ không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ. 
TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ. 

Do đó, cần đẩy mạnh can thiệp cộng đồng nhằm giảm yếu tố nguy cơ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động. Song song đó, phải nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch - yếu tố quyết định sự sống còn cho người bệnh.

TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ khát vọng xây dựng “giấc mơ” Việt Nam sẽ tự chủ sản xuất trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao trong điều trị đột quỵ. Hiện mỗi ca điều trị đột quỵ có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Dù bảo hiểm y tế hỗ trợ phần lớn, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn gặp khó khăn.

Với mong muốn giảm gánh nặng chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã trình Bộ Y tế đề án sản xuất trong nước các thiết bị can thiệp thần kinh. “Chúng tôi được Cục Khoa học và Đào tạo – Bộ Y tế ủng hộ triển khai đề án cấp Bộ. Nếu thành công, chỉ trong 3 năm tới, Việt Nam có thể sản xuất thiết bị đạt chuẩn quốc tế, với giá thành thấp, thậm chí hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân nghèo,” TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ phục vụ chẩn đoán và điều trị đột quỵ

TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ dẫn chứng, chỉ riêng năm 2024, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận gần 2.000 ca đột quỵ nội trú và hơn 28.000 lượt khám ngoại trú – con số cho thấy tỉ lệ người bệnh đột quỵ ngày càng tăng.

Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ hiện có 14 bệnh viện trải dài từ Vinh đến Cà Mau, trong đó 2 trung tâm đột quỵ vận hành toàn diện từ chẩn đoán đến can thiệp. Các bệnh viện còn lại đều được trang bị CT, MRI và kết nối chuyển tuyến nhanh chóng, giúp người bệnh tiếp cận điều trị sớm nhất.

“Đột quỵ là cuộc đua với thời gian – đến bệnh viện càng chậm, hậu quả càng nặng. Vì thế, chúng tôi xây dựng quy trình Code Stroke theo chuẩn châu Âu và thế giới, liên tục cập nhật phác đồ mới nhất, đồng thời đẩy mạnh truyền thông cộng đồng để người dân nhận biết sớm dấu hiệu và gọi cấp cứu kịp thời,” TS.BS Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Hoàng Trí, Giám đốc Vận hành Siemens Healthineers Việt Nam nhấn mạnh vai trò then chốt của thiết bị y tế trong việc rút ngắn thời gian chẩn đoán và can thiệp - yếu tố sống còn với bệnh nhân đột quỵ.

Ông Võ Hoàng Trí, Giám đốc Vận hành Siemens Healthineers Việt Nam.
Ông Võ Hoàng Trí, Giám đốc Vận hành Siemens Healthineers Việt Nam.

Theo ông Võ Hoàng Trí, một trong những thách thức lớn hiện nay là khả năng tiếp cận kỹ thuật cộng hưởng từ (MRI). Năm 2019, tỷ lệ máy MRI tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 2,6 máy/1 triệu dân và đến năm 2025 con số này dự kiến tăng lên hơn 4 máy. Dù đã tăng nhưng con số này vẫn còn rất thấp.

Việc mở rộng triển khai cộng hưởng từ tại tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều rào cản về chính sách và chi phí. Tuy vậy, các giải pháp công nghệ mới đang mở ra cơ hội thay đổi, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong MRI giúp giảm tới 72% thời gian chụp, tăng gấp đôi độ phân giải, rút ngắn thời gian thực hiện từ 15-20 phút xuống còn dưới 2 phút. Ngoài ra, hệ thống chụp CT cũng đã có thể tích hợp AI để định lượng huyết khối, hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhanh chóng.

“Hy vọng trong thời gian tới, các cơ sở y tế sẽ có điều kiện tiếp cận những thiết bị và giải pháp tiên tiến này nhằm nâng cao hiệu quả điều trị đột quỵ”, ông Trí bày tỏ.