Gỡ "phanh" tín dụng, mở cuộc đua bình đẳng cho các ngân hàng
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào ngày 3/7/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.

Mang nặng tính “xin - cho”
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng từ lâu đã được xem là một công cụ điều hành đặc thù của NHNN, nhằm kiểm soát tín dụng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) không tăng quá cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều hành bằng cơ chế này đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Đó là tình trạng ngân hàng “hết room” từ giữa năm và phải chờ NHNN nới hạn mức, gây khó khăn cho cả ngân hàng và người đi vay.
Bên cạnh đó, việc một TCTD quản trị tốt, có nguồn vốn dồi dào, có khả năng thẩm định các dự án hiệu quả để cho vay nhưng lại bị giới hạn bởi hạn mức, trong khi TCTD khác có hiệu quả hoạt động kém hơn lại được cấp hạn mức tương đương - Điều này được các chuyên gia nhận định là ngược nguyên tắc thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế PGS., TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc can thiệp tiền tệ còn mang nặng tính hành chính, đôi khi không tuân theo quy luật thị trường. Công cụ chính sách tiền tệ có tác động thực sự tới thị trường là “hạn mức tăng trưởng tín dụng” thì mang nặng tính “xin - cho” giữa NHNN với các TCTD.
Báo cáo nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chỉ rõ, việc kéo dài sử dụng công cụ này có thể gây ra tác động tiêu cực tới cạnh tranh và sự phát triển chung của khu vực tài chính.
Thực tế, NHNN đã nhận thấy điều này và đang thực hiện một lộ trình giảm dần sự phụ thuộc vào room tín dụng.
Từ năm 2024, NHNN đã tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, thông báo room tín dụng từ đầu năm, công khai, minh bạch nguyên tắc để TCTD chủ động tăng trưởng tín dụng.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 cho các TCTD để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội vào đầu tháng 4/2025 cho biết, NHNN tiếp tục lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Theo đó, nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các TCTD phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.
Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức trên 16%, có thể xem xét điều chỉnh tăng nếu lạm phát được kiểm soát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép.
Xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng trong tháng 7
Có thể nói, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chính là cú hích cuối cùng, yêu cầu NHNN phải hoàn tất lộ trình này. Bởi theo các chuyên gia, việc bỏ điều hành theo room tín dụng sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.
Các TCTD có năng lực quản trị rủi ro tốt, có sức khỏe tài chính lành mạnh sẽ có cơ hội bứt phá, mở rộng thị phần mà không bị giới hạn bởi một chỉ tiêu hành chính. Điều này buộc các TCTD phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng tài sản, quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã không ít lần cảnh báo, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao (mức 134% vào cuối năm 2024), hệ thống tài chính - ngân hàng chưa thực sự lành mạnh một cách bền vững. Vì thế, vấn đề này cũng đặt lo ngại việc gỡ “phanh” tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Chính vì lo ngại này, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2025; đồng thời phải giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có.
Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, cũng nhiều lần cho rằng, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ thông qua các công cụ như lãi suất điều hành, nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… để điều tiết cung tiền chung cho toàn hệ thống.
Theo chuyên gia, các TCTD cần tăng cường áp dụng công nghệ số trong cấp tín dụng, giúp quy trình vay vốn trở nên minh bạch, nhanh chóng hơn; cũng như khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ cao, các dự án trọng điểm...
Các chuyên gia cũng khuyến nghị phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như các dự án bất động sản cao cấp, đất nền không có tính thanh khoản cao; kiểm soát việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong đầu tư chứng khoán...