Những thách thức trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hiện nay, công tác phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn đối mặt với những thách thức như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gia tăng hoạt động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong; sự phát triển đô thị, các hoạt động kinh tế - xã hội tại vùng này.

Theo các kết quả nghiên cứu, hầu hết các vùng ở ĐBSCL đều xảy ra lún từ 0,5 - 3 cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5 - 2,5 cm/năm. Thời gian xảy ra sụt lún thường xuất hiện trong mùa khô, đặc biệt là tại những năm hạn hán kéo dài.
Về sạt lở bờ sông, bờ biển, từ năm 2016 đến nay đã xuất hiện 812 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.191 km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 315 điểm/601 km (sạt lở bờ sông 214 điểm/254 km, sạt lở bờ biển 101 điểm/347 km).
Trong những năm gần đây, ĐBSCL đã xuất hiện 3 đợt hạn hán, xâm nhập mặn mức độ nặng, có 2 đợt cao lịch sử là mùa khô năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Hiện nay, ĐBSCL chưa có phân vùng rủi ro sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai; thực hiện khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, nhất là những khu vực khai thác quá mức, gây sụt lún với tốc độ cao; thiếu sự phối hợp vận hành tốt giữa các hệ thống công trình thủy lợi trong trường hợp thời tiết cực đoan làm cho xâm nhập mặn vào sâu nội đồng…
Cảnh báo về sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng còn chung chung. Việc dự báo hạn hán, xâm nhập mặn mới chỉ tập trung thực hiện tương đối chính xác tại các khu vực cửa sông chính; thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ.
Một thách thức khác là việc xử lý sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển về cơ bản còn mang tính chất tình thế "đau đâu vá đấy". Hạ tầng đê điều, thủy lợi chưa hoàn thiện, chưa khép kín, nhiều đê bao, bờ bao bị xuống cấp, nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Nhiều công trình thủy lợi, đê biển bị xuống cấp không đảm bảo kiểm soát nguồn nước, kiểm soát xâm nhập mặn...
Để có các biện pháp ứng phó với những thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục rà soát hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước; điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo.
Cùng với đó, xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình phòng, chống tổng hợp, đa mục tiêu và theo từng loại hình (sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán), trong đó ưu tiên một số công trình kết nối, chuyển nước giữa các hệ thống thủy lợi ở Tiền Giang, Bạc Liêu, bán đảo Cà Mau.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TP. Cần Thơ cho rằng, cần hoàn thiện, khép kín các hệ thống thủy lợi kiểm soát xâm nhập mặn, điều tiết lũ, bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân; tập trung xử lý các khu vực bờ biển, bờ sông bị sạt lở gây nguy hiểm; giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ do triều cường; thống nhất các chương trình tái định cư cho người dân di dời khỏi khu vực sạt lở bờ sông/kênh/rạch…
Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL xác định mục tiêu: Lấy chủ động phòng ngừa là chính, trong đó chú trọng quản trị rủi ro, "làm đâu được đấy", "không hối tiếc"; bảo vệ môi trường giữa các vùng sinh thái ngọt - lợ - mặn; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến...