Nước Mỹ thúc đẩy PPP trong ngập ngừng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nước Mỹ cần một cú hích về khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông trong bối cảnh dân số ngày một tăng và các rào cản chính trị gây khó khăn khi tiếp cận nguồn tài trợ, từ đó tạo áp lực rất lớn lên nguồn lực hiện có.

Hiện, 65% đường giao thông của Mỹ không bảo đảm chất lượng. Nguồn: internet
Hiện, 65% đường giao thông của Mỹ không bảo đảm chất lượng. Nguồn: internet

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ - Anthony Foxx, cho biết ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, chính phủ cũng không thể xoay sở đủ 1.000 tỷ USD để bù đắp cho sự thiếu hụt tiền đầu tư cơ sở hạ tầng từ nay cho đến năm 2020.

Sáng tạo hoặc chấp nhận mắc kẹt

Bộ Giao thông vận tải Mỹ hiện đang chủ trì một dự án cấp liên bang nhằm đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ các rào cản tài chính, để tạo ra hành lang thông thoáng cho các nhà tài trợ, với hy vọng thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) - lĩnh vực mà Mỹ bị tụt lại phía sau nhiều nước phát triển khác.

PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Trong đó, với hầu hết các trường hợp, nhà đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành, bảo trì để đổi lấy nguồn thu bằng tiền mặt hoặc quyền thực hiện một dự án mới khác.

Trước mức độ thiếu hụt lớn về cơ sở hạ tầng, ông Foxx không tin tưởng hệ thống chính trị nước Mỹ có thể làm gì đột phá để xoay chuyển tình hình nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, ngay cả khi có những điều kiện thuận lợi nhất. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Giao thông vận tải kỳ vọng PPP sẽ mở ra một lối thoát, giúp giải tỏa bớt áp lực cho ngân sách bang và liên bang.

Quốc hội Mỹ đang tranh luận về một dự án tài trợ xây đường cao tốc trong dài hạn, khi mà kết quả kiểm tra cho thấy khoảng 65% đường giao thông của Mỹ không bảo đảm chất lượng và 1/4 số cây cầu cần phải sửa chữa đáng kể, hoặc không thể "tải" nổi lưu lượng giao thông như hiện nay.

Ông Foxx cho biết nhiều năm liền, các hoạt động tài trợ liên bang không đảm bảo tính ổn định, liên tục phải chắp vá bằng những gói ngắn hạn đã đặt ra nhu cầu cấp thiết phải vận dụng những cách làm sáng tạo để thực hiện dự án, nếu không muốn bị mắc kẹt mãi trong bài toán giao thông.

PPP chưa phảiưu tiên số 1?

Mặc dù đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nước có ngân sách hạn hẹp và trở nên phổ biến ở châu Âu, nhưng PPP trong mắt người Mỹ vẫn có thể gây thất thoát, nếu không được tổ chức hợp lý và thậm chí còn che đậy những chi phí mà đối tượng phải gánh chịu lại là người dân.

Một số chuyên gia còn hoài nghi liệu có nên tập trung vào mô hình PPP hay không, bởi phần lớn tiền đầu tư đều xuất phát từ khu vực công. Chính vì vậy, quan trọng hơn cả là làm sao sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đó, ví dụ như ứng dụng khoa học công nghệ mới.

Tại một hội nghị mới đây ở Washington, do Hiệp hội Các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn (LTIIA) tổ chức, không ít đại biểu đã chỉ ra sự ì ạch trong việc triển khai PPP vì lý do thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa khu vực tư nhân và chính quyền, sự khác biệt giữa các tiểu bang nước Mỹ cũng như tính khó lường của các quyết định chính trị. Chủ tịch LTIIA, Thierry Déau, nhận định khu vực công của Mỹ vẫn "rất thận trọng" khi bắt tay với khu vực tư nhân trong các dự án lớn, khiến sự tham gia của nhà đầu tư trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

Bên cạnh nỗ lực kéo khu vực công và tư nhân lại gần nhau hơn, Bộ Giao thông vận tải Mỹ còn thành lập Trung tâm Đầu tư Giao thông vận tải (BATIC) với vai trò là đầu mối liên lạc duy nhất dành cho các bang và nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng liên bang và xóa bỏ các rào cản tiến tới PPP. Giám đốc BATIC - ông Andrew Right, cho rằng một phần lý do khiến PPP chưa thể phát triển nhanh ở Mỹ là do các dự án công thường tìm đến thị trường tài chính, ví dụ thông qua trái phiếu đô thị.

Moodys Investors Service, tổ chức chuyên định giá tín nhiệm trái phiếu, dự đoán Mỹ có thể trở thành thị trường PPP lớn nhất thế giới nếu nhìn vào quy mô cơ sở hạ tầng của nước này. Và, như lời vị Bộ trưởng Foxx, yêu cầu đầu tư của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay đã vượt quá "sức chịu đựng" của đầu tư công.