Tái định vị thị trường tài chính – Kiến trúc trung tâm cho một nền kinh tế hiện đại

Mai Thư

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế. Khi thế giới bước vào giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vai trò của thị trường tài chính Việt Nam cũng đang thay đổi căn bản. Từ một bộ phận hỗ trợ vận hành dòng vốn, thị trường tài chính giờ đây đang nổi lên như cấu trúc hạ tầng thiết yếu cho một nền kinh tế hiện đại, tự chủ và có sức chống chịu cao.

Điều Việt Nam cần là một tầm nhìn dài hạn, sự cam kết thể chế và hành động có hệ thống.
Điều Việt Nam cần là một tầm nhìn dài hạn, sự cam kết thể chế và hành động có hệ thống.

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp bán dẫn, đô thị thông minh và tích hợp công nghệ số, việc tái định vị thị trường tài chính không chỉ là mục tiêu cải cách ngành tài chính - mà là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế Việt Nam vươn lên một nấc thang mới về chất lượng tăng trưởng. Theo các chuyên gia từ Dragon Capital, đặc biệt là ông Lê Anh Tuấn và bà Đặng Nguyệt Minh, Việt Nam cần thu hút 50–70 tỷ USD vốn dài hạn mỗi năm giai đoạn 2025–2035, và để đạt được điều đó, cần một cuộc tái cấu trúc toàn diện từ thể chế đến công nghệ và hội nhập quốc tế.

Dòng vốn mới cho nền kinh tế mới

Trong hơn ba thập kỷ phát triển vừa qua, Việt Nam chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại như kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế. Mô hình tín dụng hóa từng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Chiến lược đầu tư Dragon Capital – mô hình này đang dần đi đến giới hạn.

"Một nền kinh tế 400 tỷ USD không thể chỉ sống bằng tín dụng ngân hàng", ông Tuấn nhận định.

Những lĩnh vực chiến lược của Việt Nam trong thập kỷ tới – bao gồm chuyển đổi năng lượng, sản xuất công nghệ cao, phát triển hạ tầng liên kết vùng và logistics – đều cần đến nguồn vốn trung và dài hạn hàng trăm tỷ USD. Đây là loại vốn mà hệ thống ngân hàng khó có thể cung cấp một cách an toàn và hiệu quả nếu không có sự chia sẻ gánh nặng từ các kênh khác.

Theo bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Phát triển thị trường vốn tại Dragon Capital, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái tài chính đa tầng. Trong đó, dòng vốn sẽ được phân phối không chỉ qua ngân hàng mà còn thông qua trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, fintech và các nền tảng tài sản số.

"Một hệ sinh thái tài chính có chiều sâu sẽ giúp vốn không chỉ được huy động và luân chuyển mà còn được bảo hiểm, giám sát và quản trị minh bạch hơn", bà Minh nhấn mạnh.

Xây hệ sinh thái tài chính hiện đại: Công nghệ – Thể chế – Minh bạch

Một hệ thống tài chính hiện đại không thể chỉ xoay quanh ngân hàng và thị trường chứng khoán. Mà phải bao gồm các cấu phần bổ trợ như thị trường bảo hiểm – hưu trí, thị trường phái sinh, thị trường carbon, các định chế trung gian (quản lý quỹ, xếp hạng tín nhiệm…), cùng hệ sinh thái công nghệ tài chính và tài sản số. Mỗi thành phần giữ vai trò quan trọng trong việc tạo tính linh hoạt, bền vững và khả năng chống chịu cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Để vận hành hiệu quả, hạ tầng công nghệ là điều kiện tiên quyết. Theo Dragon Capital, việc triển khai các nền tảng như hệ thống giao dịch mới (KRX), thanh toán thời gian thực (T+0), định danh điện tử (eKYC), cổng dữ liệu mở quốc gia, chuẩn hóa báo cáo tài chính bằng ngôn ngữ XBRL (eXtensible Business Reporting Language), và ứng dụng blockchain sẽ là đòn bẩy quan trọng để gia tăng tính minh bạch, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch và thu hút nhà đầu tư tổ chức. "Chúng ta cần một thị trường vận hành thời gian thực, minh bạch, có khả năng kết nối xuyên biên giới để có thể cạnh tranh dòng vốn toàn cầu," bà Đặng Nguyệt Minh chia sẻ.

Về mặt định chế, ngân hàng thương mại cần chuyển đổi sang vai trò của ngân hàng đầu tư – cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành, quản trị tài sản và hỗ trợ M&A. Thị trường vốn cần trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, với sự phát triển của các sản phẩm như trái phiếu xanh, công cụ phái sinh, chứng chỉ quỹ, và thị trường carbon. Những công cụ này không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn là điều kiện để Việt Nam bắt kịp tiêu chuẩn tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, một hệ thống hiện đại không thể tồn tại nếu thiếu nền tảng pháp lý đồng bộ và hiệu quả. Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm và các nghị định liên quan đến tài sản số, trái phiếu doanh nghiệp hay cơ chế thử nghiệm sandbox cho fintech cần được rà soát, sửa đổi theo hướng minh bạch, ổn định và phù hợp với thông lệ quốc tế. "Không thể có niềm tin thị trường nếu pháp lý thay đổi theo chu kỳ hoặc thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý", ông Tuấn nhấn mạnh.

Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái tài chính đa tầng.
Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái tài chính đa tầng.

Hội nhập và điều phối: Nâng hạng để đón dòng vốn lớn

Trong bối cảnh toàn cầu hóa tài chính ngày càng sâu rộng, việc nâng hạng thị trường và cải thiện tín nhiệm quốc gia là những bước đi mang tính chiến lược. Mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm "mới nổi" theo MSCI hoặc FTSE và đạt mức Investment Grade trong xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ mở cánh cửa lớn để thu hút các dòng vốn dài hạn, đặc biệt từ các quỹ đầu tư tổ chức.

Để đạt được điều đó, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đối thoại với các tổ chức xếp hạng, cải thiện chất lượng báo cáo tài chính, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp và đầu tư mạnh vào hạ tầng thanh toán xuyên biên giới. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các sàn giao dịch, mở rộng hiệp định bảo hộ đầu tư và thống nhất chiến lược hội nhập tài chính với các nền kinh tế lớn trong khu vực là những hành động không thể trì hoãn.

 
Tái định vị thị trường tài chính không chỉ là việc điều chỉnh các công cụ tài chính, mà là tái thiết toàn bộ "hệ điều hành" cho nền kinh tế.

Một trong những điểm nghẽn hiện nay là sự phân mảnh trong điều phối chính sách. Theo bà Đặng Nguyệt Minh, cần thành lập một ủy ban điều phối liên ngành về phát triển thị trường tài chính – gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, chính quyền địa phương. Mô hình này sẽ giúp tránh xung đột chính sách, đẩy nhanh tiến độ cải cách và tạo nền tảng chiến lược dài hạn, thống nhất.

Tái định vị thị trường tài chính không chỉ là việc điều chỉnh các công cụ tài chính, mà là tái thiết toàn bộ "hệ điều hành" cho nền kinh tế. Khi thị trường tài chính vận hành hiệu quả, minh bạch và tích hợp công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trung tâm tài chính mới của châu Á.

"Chúng ta không thể cải cách thị trường tài chính bằng tư duy nhiệm kỳ. Điều Việt Nam cần là một tầm nhìn dài hạn, sự cam kết thể chế và hành động có hệ thống", ông Lê Anh Tuấn kết luận.