TP. Hồ Chí Minh: Kiến tạo trung tâm công nghiệp xanh và thông minh hàng đầu khu vực
TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra cơ hội chiến lược để phát huy lợi thế và hình thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững tại khu vực Đông Nam Á.
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - cảng biển liên kết
Tại Tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Từ tiềm năng đến hành động” ngày 17/7, đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia và doanh nghiệp cùng phân tích và tìm ra giải pháp nhằm phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng, hạ tầng liên kết vùng, tích hợp chuỗi giá trị quốc gia để đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu công nghiệp thông minh, công nghiệp xanh, hướng tới vị thế trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, sau hợp nhất TP. Hồ Chí Minh có diện tích hơn 6.700 km², tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - cảng biển liên kết chặt chẽ, trong đó TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò vệ tinh sản xuất và logistics.
Bên cạnh đó, quy mô công nghiệp của Thành phố chiếm hơn 25,52% giá trị công nghiệp cả nước, đạt hơn 928.942 tỷ đồng vào cuối năm 2024, chiếm 34,21% GRDP của TP. Hồ Chí Minh khi mở rộng.
TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh mới có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp hàng đầu cả nước, với GRDP chiếm gần 24% GDP và gần 45.000 doanh nghiệp công nghiệp.
Phân tích thêm về lợi thế cạnh tranh của Thành phố sau hợp nhất, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, với hạ tầng logistics quốc tế của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải; hệ thống hơn 30 khu công nghiệp và khu chế xuất tại Bình Dương (trước đây), gồm: VSIP, Mỹ Phước, Bàu Bàng, và các cụm công nghiệp chuyên sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu (trước đây) như: Châu Đức, Phú Mỹ; cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực đổi mới sáng tạo và thị trường nội địa quy mô lớn là những nền tảng vững chắc.

Ngoài ra, mô hình “Hành lang công nghiệp xanh tích hợp” từ Dĩ An (Bình Dương) qua Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) đến cảng Cái Mép được đánh giá là cơ hội để phát triển hệ sinh thái công nghiệp thông minh, tích hợp dữ liệu sản xuất, tiêu thụ và tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Bên cạnh những thế mạnh, Thành phố vẫn còn một số thách thức như: Phát triển công nghiệp thiếu chiều sâu công nghệ, thiếu tích hợp vùng, năng lực công nghệ cốt lõi hạn chế, và các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xanh hóa.
Hạ tầng liên kết vùng còn bất cập, với các tuyến vành đai, cao tốc (Vành đai 3, Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài) triển khai chậm, hệ thống ICD nội đô quá tải và đường sắt chuyên dùng gần như chưa có, dẫn đến chi phí logistics cao và kết nối phân mảnh.
Chính sách đột phá và giải pháp phát triển công nghiệp
Để hiện thực hóa tầm nhìn, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều chính sách đột phá như: Nghị quyết số 9/2023/NQ-HĐND, Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về hỗ trợ vay vốn tới 85% chi phí đầu tư thiết bị công nghệ, với thời hạn hỗ trợ lãi suất 7 năm, ưu tiên các ngành công nghệ cao, thực phẩm chế biến và sản xuất thông minh.
Cùng lúc, Đề án phát triển ngành công nghiệp trọng điểm TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2025-2035 tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp xanh, sáng tạo và logistics hiện đại, hướng tới số hóa và xanh hóa mô hình tăng trưởng.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đề xuất đẩy nhanh các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, và quy hoạch các trung tâm logistics thông minh tại Thủ Đức, Dĩ An, Phú Mỹ tích hợp kho ngoại quan, cảng cạn và hạ tầng số.
Theo ông Phạm Văn Việt- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may - Thời trang TP. Hồ Chí Minh, Thành phố phải trở thành trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm và kiểm soát chuỗi cung ứng, thay vì chỉ nhận đơn hàng.
Ông Việt cũng đề xuất cơ chế tín dụng xanh dựa trên tiêu chuẩn ESG và quỹ bảo lãnh xuất xứ để đáp ứng tiêu chuẩn CO/CQ của các thị trường Mỹ, EU.
Các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị Thanh phố cần xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghiệp tương tự như KITECH (Hàn Quốc), với 3 viện nghiên cứu trung ương và các trung tâm kỹ thuật tại vùng tiếp giáp, hỗ trợ hơn 2.900 doanh nghiệp mỗi năm thông qua chuyển giao công nghệ, R&D và chứng nhận quốc tế.
Đồng thời, mở rộng mô hình “Doanh nghiệp đặt hàng - Trường nghề triển khai - Nhà nước đồng tài trợ” và trung tâm kỹ năng công nghiệp tại khu vực tiếp giáp 3 địa phương cũng được đề xuất để nâng cao năng lực lao động.
Đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, về chiến lược phát triển công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất cần xác định chức năng rõ ràng của các khu vực.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (cũ) giữ vai trò trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và R&D, với các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp sáng tạo kết nối Đại học Quốc gia Thành phố và Khu công nghệ cao.

Khu vực Bình Dương (cũ) tiếp tục là đầu tàu chế biến - chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, với các khu công nghiệp như: VSIP 3, Tân Uyên dẫn đầu về sản xuất thông minh và logistics nội vùng.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đảm nhận vai trò trung tâm công nghiệp nặng, hóa dầu, năng lượng và logistics biển, với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ trung chuyển quốc tế.
Ngoài ra, để thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, TP. Hồ Chí Minh cũng cần thu hút đầu tư có chọn lọc vào các ngành điện tử, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, vật liệu mới và cơ khí chính xác.
Các khu công nghệ cao tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cần mở rộng, hình thành trục sản xuất công nghệ cao liên vùng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm ngành như: Bình Dương tập trung vào cơ khí - nhựa - điện tử; TP. Hồ Chí Minh phát triển dược phẩm - thực phẩm - bao bì; Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung phát triển logistics phụ trợ và cơ khí nặng.
TS Trương Minh Huy Vũ cũng đề xuất thành lập trung tâm kỹ thuật - xúc tiến công nghiệp hỗ trợ cấp vùng, cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ, chứng nhận quốc tế và tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm phát triển tối đa lợi thế cạnh tranh của cả khu vực.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp cũng kiến nghị với mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và tuần hoàn thì Chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần ban hành bộ tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, thí điểm tại Tân Thuận, VSIP, Phú Mỹ 3, với các mô hình tái chế chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo và xử lý nước tuần hoàn.
Việc số hóa nhà máy bằng hệ thống ERP, IoT, MES sẽ tối ưu hóa vận hành và minh bạch chuỗi cung ứng, đồng thời thu hút dòng vốn quốc tế bền vững thông qua áp dụng chuẩn ESG.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghiệp, với vườn ươm công nghệ, trung tâm R&D và quỹ đầu tư đổi mới, sẽ là trụ cột dài hạn để TP. Hồ Chí Minh mới khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp tích hợp, thông minh và bền vững hàng đầu Đông Nam Á.