Vận dụng Nghị quyết mới của Quốc hội giúp người dân mua nhà ở xã hội dễ hơn

Phạm Thọ

UBND các tỉnh Khánh Hòa, Tây Ninh vừa ban hành các chính sách giúp người mua nhà ở xã hội thuận lợi hơn. Đáng chú ý, 2 địa phương đều vận dụng Nghị quyết số 201/2025/QH15 về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vừa có hiệu lực.

Một dự án nhà ở xã hội tại Khánh Hòa
Một dự án nhà ở xã hội tại Khánh Hòa

Ngày 2/7, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định quy định chi tiết về trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của cá nhân, nhưng cách xa địa điểm làm việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn sau sáp nhập.

Cụ thể, cá nhân đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa trụ sở làm việc từ 30 km trở lên thì được mua, thuê mua nhà ở xã hội. 

Quy định trên được áp dụng cho nhiều đối tượng thụ hưởng bao gồm: cá nhân có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; các sở, ban, ngành; UBND các xã, phường, đặc khu; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các phường, xã, đặc khu thực hiện. Các quy định trên áp dụng từ ngày 1/7, kết thúc vào ngày 31/5/2030.

Thống kê cho thấy tại tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.200 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi hơn 100km từ tỉnh Ninh Thuận (cũ) ra phường Nha Trang để làm việc. Nhu cầu về chỗ ở là rất lớn.

Trước đó ít ngày, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Quyết định 59/2025/QĐ-UBND quy định về vấn đề này. Đối tượng áp dụng là các trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 76 Luật Nhà ở 2023.

Đồng thời phải đáp ứng điều kiện đang làm việc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc trong phạm vi khoảng cách quy định.

Quy định của UBND tỉnh Tây Ninh xác định điều kiện đối tượng có nhà ở thuộc sở hữu của mình, nhưng có khoảng cách đến địa điểm làm việc từ 20 km trở lên thì được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, vị trí nhà ở xã hội được mua, thuê mua và địa điểm làm việc của đối tượng phải nằm trong cùng đơn vị hành chính cấp xã hoặc xã liền kề có khoảng cách không quá 10 km.

Viên chức làm việc tại cơ quan BHXH ở tỉnh Tây Ninh
Viên chức làm việc tại cơ quan BHXH ở tỉnh Tây Ninh

Về thủ tục, UBND tỉnh cũng hướng dẫn rõ, những trường hợp có hợp đồng lao động sẽ do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xác nhận khoảng cách. Trường hợp không có hợp đồng đối tượng gửi đơn cho UBND xã, phường nơi đang làm việc xác nhận, thời gian giải quyết 3 ngày.

Các quy định trên của UBND tỉnh Tây Ninh sẽ được áp dụng kể từ ngày 6/7/2025.

Tây Ninh là tỉnh mới trên cơ sở hợp nhất cùng tỉnh Long An. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Tân An, tỉnh Long An (cũ).

Liên quan đến các điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội, tại Điều 78, Luật Nhà ở 2023 quy định khá “chặt” khi phải là trường hợp “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó…”.

Tuy nhiên, vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 201/2025 về thí điểm về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó tại Điều 9 quy định: “Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở có địa điểm làm việc cách xa nơi ở của mình thì điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc.

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội”.

Từ cơ sở này, Khánh Hòa, Tây Ninh đã sớm vận dụng để triển khai chính sách về nhà ở xã hội tại địa phương. Bước đầu tạo thuận lợi cho công chức, viên chức, người lao động và người dân có thu nhập thấp nói chung trong việc tạo lập chỗ ở.