Ảnh hưởng của nguồn nhân lực tới kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Định

TS. Đoàn Thục Quyên - Trường Đại học Công đoàn

Nguồn nhân lực được coi là một trong những nhân tố hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là với những tỉnh có cơ cấu sản xuất trọng điểm như Nam Định. Nghiên cứu này đánh giá về nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định theo góc độ: Kinh nghiệm, hiểu biết, sự yêu thích đối với kinh tế tuần hoàn và sự ảnh hưởng của nhân tố con người tới việc thực hành sản xuất nông nghiệp, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh Nam Định.

Giới thiệu

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990). Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Ellen MacArthur Foundation mô tả nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh.

Hay nói một cách đơn giản Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những ngành trọng điểm. Phát triển kinh tế tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn) trong nông nghiệp sẽ đóng góp lớn vào việc tiết kiệm nguồn tài nguyên của Đất nước, đi theo xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới.

Nhiều địa phương ở Việt Nam có tỷ trọng ngành Nông nghiệp cao, nếu nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) phát triển tốt thì sẽ tạo thêm nhiều giá trị thặng dư cho nền nông nghiệp của tỉnh. Tuy vậy, nguồn nhân lực để hướng tới sản xuất NNTH là một trong những vấn đề lớn khi bàn tới tại nhiều địa phương, trong đó có Nam Định.

Nghiên cứu tiến hành với mục đích đánh giá tình hình nguồn nhân lực đang phục vụ trong các đơn vị sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định, đánh giá của các đơn vị về mối quan hệ giữa ảnh hưởng của nguồn nhân lực đối với việc phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tổng quan nghiên cứu

Phát triển nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để làm được điều này, cần hiểu rõ cách hỗ trợ người lao động ở những khu vực thị trường lao động đang đối mặt với những thay đổi này. Việc áp dụng quy mô lớn các chiến lược kinh tế tuần hoàn ban đầu dự kiến sẽ cần nhiều lao động.

Theo Laubinger, F., Lanzi, E., và Chateau, J. (2020), việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ ảnh hưởng đến việc làm theo 4 cách: (1) Một số công việc mới được tạo ra; (2) Một số công việc được thay thế bằng các hoạt động khác, tuần hoàn hơn; (3) Một số công việc bị mất; (4) Những công việc khác được định nghĩa lại là các nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết của người lao động thay đổi. Circle Economy (2020) cho rằng, cần lập kế hoạch dài hạn để đưa người lao động tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn. Gardiner, B. (2020) cho biết, mặc dù việc làm tuần hoàn khác với khái niệm việc làm xanh nhưng mô hình thay đổi tương tự có thể áp dụng cho cả hai.

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu tập trung phân tích về kinh nghiệm, nhận thức và hiểu biết của nguồn nhân lực khi tham gia kinh tế tuần hoàn. Trong đó, đối với hành vi, lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) là một mô hình giải thích hành vi của con người trong những điều kiện cụ thể. Ý định của các hành vi khác nhau có thể dự đoán chính xác thái độ đối với hành vi đó. TPB được áp dụng trong nghiên cứu này để mô tả hành vi của người tham gia kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như: Hành vi thân thiện với môi trường và mua sản phẩm hữu cơ. TPB cũng sẽ được sử dụng để giải thích ý định của những người tham gia kinh tế tuần hoàn.

Các biến cơ bản được cấu trúc trong nghiên cứu này bao gồm thái độ đối với quyết định tham gia (IP) vào kinh tế tuần hoàn, chuẩn mực chủ quan, nhận thức về kiểm soát hành vi, các vấn đề tài chính và mối quan tâm về môi trường theo nghiên cứu của Sussman, R. Theo Al Mamun (2018), lý thuyết hoạch định hành vi, ảnh hưởng xã hội từ các thành viên trong gia đình, bạn bè và người nổi tiếng có thể ngăn cản hoặc khuyến khích các cá nhân mua và sử dụng công nghệ mới. Vì vậy, thái độ của các thành viên trong gia đình và người dân sẽ ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm xanh của mỗi cá nhân.

Kiểm soát nhận thức-hành vi (CBC) đánh giá một cách chủ quan mức độ chấp nhận của một cá nhân trong việc thực hiện một hành vi cụ thể. Các yếu tố như nguồn lực hoặc cơ hội ảnh hưởng đến hành vi của một cá nhân. Nghiên cứu của Wiradhany và cộng sự cho thấy, kiểm soát hành vi nhận thức ảnh hưởng đáng kể đến việc sẵn sàng mua các sản phẩm có thể tái sử dụng. Khi mọi người có cái nhìn tích cực về hành vi, mức độ sẵn sàng chấp nhận hành vi đó sẽ bị ảnh hưởng bởi nhận thức kiểm soát hành vi. Vì vậy, tác giả kỳ vọng rằng nhận thức kiểm soát hành vi sẽ tác động tích cực đến việc tham gia kinh tế tuần hoàn trong nghiên cứu này.

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Phương thức đánh giá về nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp

Để đánh giá được các khía cạnh về nguồn nhân lực tham gia nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam định, tác giả khảo sát 3 nội dung về nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh theo 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

- Đối tượng khảo sát: Các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn Tỉnh

- Phương thức khảo sát: Sử dụng bảng hỏi theo thang đo likert 5 bậc để đánh giá về mức độ của các nhân tố định tính được xét tới; Sử dụng phương pháp phỏng vấn nhanh PRA để xác định các yếu tố chính dẫn tới những nhược điểm trong nguồn nhân lực được khảo sát tới.

- Nội dung khảo sát: Nhân tố về con người có thể chia thành 3 yếu tố sau:

+ Nhận thức và hiểu biết của các thành phần trực tiếp tham gia về mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Nhận thức và hiểu biết được hình thành thông qua quá trình đào tạo, học hỏi đặc biệt từ các trường chuyên môn sâu như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các viện môi trường, viện nghiên cứu… Tại đây, những người trực tiếp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức đã được các giáo sư, nhà khoa học… đúc kết và truyền lại, từ đó có nền tảng kiến thức để tự xây dựng các chiến lược hành động hợp lý.

+ Kinh nghiệm sản xuất của các thành phần trực tiếp tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm sản xuất khác với năng lực hình thành thông qua trường lớp ở chỗ đây là năng lực hình thành thông qua thực hành thực tế. Trong lý thuyết sẽ có những kiến thức cần một môi trường kinh doanh cũng như môi trường chính sách cụ thể và đặc thù, tiếp cận được qua đó, những kiến thức lý thuyết, có thể sẽ không có những kiến thức được đúc kết từ những người trực tiếp sản xuất.

+ Sự yêu thích và tự giác đối với việc bảo vệ môi trường. Môi trường đang là một vấn đề lớn và đang được tuyên truyền rất mạnh trên nhiều phương diện để. Một số hành vi phá hoại môi trường có thể bị xử phạt nặng nhưng đa phần người dân không phá hoại nhưng cũng không chủ động có động thái bảo vệ môi trường.

Phương thức đánh giá về sự ảnh hưởng của nhân tố nhân lực tới nông nghiệp tuần hoàn

Để đánh giá được sự ảnh hưởng của nhân tố nhân lực tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, một cuộc khảo sát được tiến hành đối với các đối tượng liên quan.

- Đối tượng khảo sát: 150 đơn vị sản xuất chia thành 3 ngành (mỗi ngành 50 đơn vị) trên địa bàn Tỉnh

- Phương thức khảo sát: Sử dụng bảng hỏi theo thang đo likert 5 bậc để đánh giá về sự ảnh hưởng của nguồn nhân lực tới kinh tế tuần hoàn theo quy chuẩn mức 1 là thấp nhất và mức 5 là cao nhất.

- Phương pháp đánh giá: Để đánh giá sự tin cậy của thang đó, các câu trả lời được đưa vào điểm định hệ số Cronbach’s Alpha; Để đánh giá sự thống nhất giữa các câu trả lời ở 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, kiểm định pairsample T test được sử dụng.

Kết quả nghiên cứu

Đánh giá về nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp

Thứ nhất, nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt.

Theo kết quả khảo sát từ phiếu khảo sát, tổng số lao động thường xuyên trung bình là 80%, với độ tuổi đa phần từ 25-34 tuổi, sau đó là độ tuổi 35-40 tuổi, chủ yếu là nam, trình độ học vấn toàn mẫu là chưa cao (chỉ có hơn 10% có học các trường cao đẳng về nông nghiệp trở nên), một phần không khỏ đều chỉ qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ (45%) và trung cấp nghề hoặc thấp hơn. Đánh giá từ khảo sát là mức độ tốt/hiệu quả của chất lượng nguồn nhân lực là 3,6/5

Thâm niên trong lĩnh vực trồng trọt ở các đơn vị trung bình đạt đa phần từ 10-15 năm, giá trị trung bình toàn mẫu là 12,4 năm cho thấy, việc tham gia sản xất trồng trọt được thực hiện bởi nguồn lực có thâm niên tương đối lâu, cũng có thể hiểu là hiện tượng nhảy việc, bỏ việc có xuất hiện nhưng đa phần những người tham gia sản xuất khá gắn bó với việc sản xuất. Thâm niên trung bình cao hơn hẳn ở nhóm quản lý và nhóm chủ đơn vị sản xuất và với nhóm lao động thường xuyên cũng như lao động thời vụ thì thâm niên trung bình khác biệt không đáng kể. Thâm niên được đánh giá ở mức khá cao, 4/5 điểm theo khảo sát.

Niềm yêu thích đối với việc bảo vệ môi trường trong việc sản xuất nông nghiệp của đa phần những người sản xuất trồng trọt được khảo sát đều chỉ xoay quanh mức bình thường hoặc khá yêu thích. Chỉ có một nhóm nhỏ thực sự yêu thích việc tham gia trồng trọt với ý nghĩa bảo vệ môi trường. Trong thực tế, trên địa bàn Tỉnh cũng đã có một số phong trào, chương trình được thực hiện để thúc đẩy tinh thần bảo vệ môi trường của nông dân, ví dụ như ở Nam Định, trong khuôn khổ chương trình “Môi trường sạch – Cuộc sống xanh” lần 4 – năm 2018 do Công ty Syngenta phát động, 500 lượt nông dân của huyện Nam Trực (Nam Định) đã xuống đồng thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch đồng ruộng. Những chương trình như vậy đã phần nào nâng cao nhận thức và tinh thần bảo vệ môi trường cho nông dân trong Tỉnh. Niềm yêu thích đối với bảo vệ môi trường chỉ được đánh giá ở mức 2,8/5

Thứ hai, nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.

Theo kết quả khảo sát từ phiếu khảo sát, tổng số lao động thường xuyên trung bình là 82%, với độ tuổi đa phần từ 25-34 tuổi, sau đó là độ tuổi 35-40 tuổi, chủ yếu là nam với trình độ học vấn chưa cao (chỉ có hơn 12% có học các trường cao đẳng về nông nghiệp trở nên), một phần không nhỏ đều chỉ qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ (35%) và trung cấp nghề hoặc thấp hơn.

Thâm niên trong lĩnh vực trồng trọt ở các đơn vị trung bình đạt đa phần từ 10-15 năm, giá trị trung bình toàn mẫu là 11,12 năm cho thấy việc tham gia sản xất trồng trọt được thực hiện bởi nguồn lực có thâm niên tương đối lâu, cũng có thể hiểu là hiện tượng nhảy việc, bỏ việc có xuất hiện nhưng đa phần những người tham gia sản xuất khá gắn bó với việc sản xuất. Thâm niên trung bình cao hơn hẳn ở nhóm quản lý và nhóm chủ đơn vị sản xuất, và với nhóm lao động thường xuyên cũng như lao động thời vụ thì thâm niên trung bình khác biệt không đáng kể.

Niềm yêu thích đối với việc bảo vệ môi trường trong việc sản xuất nông nghiệp của đa phần những đơn vị chăn nuôi được khảo sát cũng đều chỉ xoay quanh mức bình thường hoặc khá yêu thích. Chỉ có một nhóm nhỏ thực sự yêu thích việc tham gia trồng trọt với ý nghĩa bảo vệ môi trường. Giá trị trung bình là 3,6/5.

So với nhân lực của lĩnh vực trồng trọt thì lĩnh vực chăn nuôi có đội ngũ có chuyên môn và thâm niên có thể nói là cao hơn, sự yêu thích đối với việc sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường có thể nói là nhiều hơn.

Thứ ba, nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản.

Theo kết quả khảo sát từ phiếu khảo sát, tổng số lao động thường xuyên trung bình là 86%, với độ tuổi đa phần từ 25-34 tuổi (44%), sau đó là độ tuổi 35-40 tuổi, chủ yếu là nam với trình độ học vấn chưa cao (chỉ có hơn 11% học các trường cao đẳng về nông nghiệp trở nên), một phần không nhỏ chỉ qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ (47%) và trung cấp nghề hoặc thấp hơn.

Thâm niên trong lĩnh vực thủy sản ở các đơn vị trung bình đạt đa phần từ 15-20 năm, giá trị trung bình toàn mẫu là 17,2 năm cho thấy, việc tham gia sản xuất thủy sản được thực hiện bởi nguồn lực có thâm niên lâu nhất trong các nhóm sản xuất nông nghiệp.

Niềm yêu thích đối với việc bảo vệ môi trường trong việc sản xuất nông nghiệp của đa phần những đơn vị chăn nuôi được khảo sát khác với hộ trồng trọt và chăn nuôi lại có một nhóm lớn lực chọn mức rất ưa thích, giá trị trung bình đạt 4,1/5.

So với nhân lực của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, lĩnh vực thủy sản có đội ngũ có chuyên môn và thâm niên cao hơn, sự yêu thích đối với việc sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường nhiều hơn. Điều này là do các kĩ thuật sản xuất thủy sản đòi hỏi phức tạp hơn do môi trường sống của các con vật là trong nước, không dễ quan sát như cây trồng hoặc vật nuôi.

Đánh giá sự ảnh hưởng của nhân tố con người lên mức độ tuần hoàn của sản xuất nông nghiệp

Tính nhất quán nội bộ nghĩa là các biến quan sát trong một thang đo phải có sự tương quan chặt chẽ nhau, cùng giải thích cho một khái niệm. Cronbach' Alpha là một chỉ số đo lường tính nhất quán nội bộ này. Như vậy, nếu một thang đo mà các biến quan sát có sự tương quan thuận càng chặt chẽ, thang đo đó càng có tính nhất quán cao, hệ số Cronbach’s Alpha sẽ càng cao.

Theo Nunnally (1978), một thang đo tốt nên có độ tin cậy Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên. Hair và cộng sự (2009) cũng cho rằng, một thang đo đảm bảo tính đơn hướng và đạt độ tin cậy nên đạt ngưỡng Cronbach’s Alpha từ 0.7 trở lên, tuy nhiên, với tính chất là một nghiên cứu khám phá sơ bộ, ngưỡng Cronbach’s Alpha là 0.6 có thể chấp nhận được. Hệ số Cronbach's Alpha càng cao thể hiện độ tin cậy của thang đo càng cao.

Kiểm định sự phù hợp của các câu trả lời đối với nhóm nhân tố và sự phù hợp của toàn bộ các câu trả lời được thể hiện trong các bảng 1.

Bảng 1: Sự phù hợp của các câu trả lời
đối với nhóm nhân tố Con người

Reliability Statistics Cronbach's Alpha

N of Items

.644

3

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Do các câu trả lời đến từ 3 nhóm đơn vị sản xuất nhau, mỗi nhóm 50 câu trả lời để hình thành nên bộ dữ liệu 150 câu trả lời. Một kiểm định cặp Pair T Test sẽ được tiến hành để kiểm định sự khác biệt giữa các câu trả lời của từng nhóm. Nếu các câu trả lời có sự tách biệt đáng kể thì sẽ tách từng nhóm ra để phân tích. Nếu các câu trả lời không có sự tách biệt đáng kể thì sẽ gộp chung các câu trả lời thành một nhóm để phân tích.

Giả thuyết H01: Không có sự khác biệt giữa giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Trồng trọt và giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Chăn nuôi.

Giả thuyết H02: Không có sự khác biệt giữa giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Trồng trọt và giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Thủy sản.

Giả thuyết H03: Không có sự khác biệt giữa giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Chăn nuôi và giá trị trung bình của nhóm nhân tố con người của nhóm Thủy sản.

Để có thể xác định xem các câu trả lời đối với sự ảnh hưởng của nhân tố con người lên kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định, kiểm định Paired Sample T test được sử dụng.

Nếu giá trị Sig. (2-tailed) < 0.05 thì sẽ bác bỏ giả thiết Ho với mức ý nghĩa 5%. Hiện tại, các giá trị của Sig. (2-tailed) đều lớn hơn 0.05, điều đó đồng nghĩa với việc câu trả lời về sự ảnh hưởng của nhóm nhân tố con người đối với kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại Nam Định của cả 3 nhóm doanh nghiệp không khác biệt nhau về giá trị một cách có ý nghĩa thống kê hay có thể hiểu là các câu trả lời khá tương đồng nhau.

Theo đó, kết quả thống kê của nhóm cho giá trị trung bình là 3,8/5 cho thấy sự ảnh hưởng của nhân tố con người lên kinh tê tuần hoàn được đánh giá ở mức rất cao và có sự thống nhất giữa các nhóm ngành và có ý nghĩa về mặt thống kê.

Kết quả khảo sát nhanh về những nguyên nhân dẫn tới chất lượng nhân lực kém

Bảng 2: Bảng kết quả kiểm định Paired Samples Test đối với nhân tố con người Paired Samples Test

 

Paired Differences

t

df

Sig. (2-tailed)

 

Mean

Std. Deviation

Std. Error Mean

95% Confidence Interval of the Difference

Lower

Upper

Pair 1

TT-CN

.020

1.000

.141

-.264

.304

.141

49

.888

Pair 2

TT-TS

.020

1.040

.147

-.276

.316

.136

49

.892

Pair 3

CN-TS

.002

1.107

.156

-.314

.314

.010

49

.090

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Mức thu nhập còn thấp khiến cho việc thu hút nhân lực trong ngành khó khăn

Theo các đơn vị sản xuất nông nghiệp, yếu tố hàng đầu khiến cho việc tuyển dụng nhân sự quan tâm tới kinh tế tuần hoàn là do thu nhập trong ngành chỉ cao với một số vị trí có trình độ khoa học công nghệ ở mức cao, với những vị trí nguồn nhân lực ở mức trung bình thì mức thu nhập gần như không nhiều hơn đáng kể nhưng những yêu cầu về công việc lại khắt khe hơn.

Quá trình canh tác sản xuất phức tạp đòi hỏi nguồn nhân lực có đào tạo bài bản

Trong khi nông nghiệp truyền thống hoàn toàn có thể thực hành theo hình thức đào tạo trực tiếp và điều chỉnh theo thời gian thì nông nghiệp tuần hoàn lại có những yêu cầu về việc cần hạn chế tối đa sai sót do có thể ảnh hưởng đến quy trình do sản phẩm đầu ra có những yêu cầu khắt khe về các thông số cần được kiểm định.

Nhận thức của người lao động về các hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp

Người dân Việt Nam nói chung còn chưa được đào tạo và giáo dục một cách có hệ thống về tự giác bảo vệ môi trường, mặc dù một bộ phận nhỏ đã tự xây dựng được ý thực bảo vệ môi trường trong các hành vi tiêu dùng, sản xuất nhưng đa phần các đối tượng trong nền kinh tế vẫn duy trì tập quán thói quen sản xuất tuyến tính.

Chính sách hỗ trợ của tỉnh về đào tạo nhân lực còn thiếu và yếu

Tỉnh Nam Định hiện tại cũng có một số chương trình đào tạo chuyên sâu về nông nghiệp hơn cho các đơn vị sản xuất nhưng những hỗ trợ này chưa đủ nhiều để tạo nên nguồn lực chuyên môn cho Tỉnh.

Thiếu các hội nhóm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong ngành

Bản thân người tham gia sản xuất cần có kênh để tự nâng cao kinh nghiệm thông qua việc chia sẻ đội nhóm và việc này chưa được thực hiện tốt ở địa bàn Tỉnh.

Một số kiến nghị

Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải phápo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lục, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn phát triển ở tỉnh Nam Định:

- Tích cực tổ chức các chương trình đào tạo và tập huấn cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp: Các chương trình đào tạo và tập huấn nên được tổ chức thường xuyên hơn nữa và cần có sự tham gia của nhiều đơn vị ban ngành trong Tỉnh để thực sự nâng cao năng lực một cách sâu sắc hơn cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh

- Hỗ trợ và thu hút nhân tài, có chính sách ưu tiên cho con em trong vùng quay trở về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được ưu tiên bố trí việc làm, ưu tiên cấp đất…

- Cần xây dựng các hội nhóm có quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị sản xuất cùng nhau giao lưu, trau dồi và trao đổi kiến thức, tiến tới sản xuất theo mô hình hợp tác xã lớn và liên kết rộng.

- Giải quyết vấn đề nguồn nhân lực sản xuất không phát sinh sự yêu thích với mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp: Bước đầu tiên là phân tích, giải thích cho các đối tượng tham gia sản xuất về những giá trị hữu hình và vô hình mà mô hình này mang lại; bước thứ hai là tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia và hạn chế các hỗ trợ về mặt tài chính, con giống… cho các đơn vị không tham gia; bước thứ ba là khuyến khích phong trào sử dụng sản phẩm hữu cơ thông qua tuyên truyền đối với người tiêu dùng để gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của các đơn vị sản xuất truyền thống. Từ đó, từng bước giúp cho động cơ để tham gia của các đơn vị sản xuất sẽ lớn hơn.

- Hỗ trợ về mặt tài chính để trả lương cho lao động của các doanh nghiệp tiến hành sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ajzen, I. The theory of planned behaviour: Reactions and reflections. Psychol. Health 2011, 26, 1113–1127. [CrossRef];
  2. Al Mamun, A.; Mohamad, M.R.; Yaacob, M.R.B.; Mohiuddin, M. Intention and behavior towards green consumption among low-income households. J. Environ. Manag. 2018, 227, 73–86. [CrossRef] [PubMed];
  3. Circle Economy (2020), Jobs and skills in the circular economy: State of play and future pathways (pp. 1-28, Rep). Amsterdam, Netherlands: Circle Economy. Retrieved from: Circle Economy;
  4. Circle Economy (2020), The social economy: A means for inclusive & decent work in the circular economy? (pp. 1-16, Rep.). Amsterdam, Netherlands: Circle Economy. Retrieved from: Circle Economy;
  5. European Commission (2014), Green employment initiative: Tapping into the job creation potential of the green economy (pp. 1-13, Rep.). Brussels, Belgium: . Retrieved from: European Commission Communications.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023