Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khơi thông nguồn lực, tạo đột phá tăng trưởng:
Bài 4: “Luồng gió mới” thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển
Được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện định hướng đổi mới mạnh mẽ trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, với nguyên tắc trao quyền chủ động, giảm can thiệp hành chính, phân định rõ vai trò nhà nước với vai trò của thị trường.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 dự án Luật, Nghị quyết, đặc biệt trong đó có 4 luật quan trọng thuộc lĩnh vực tài chính gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Luật số 66/2025/QH15); Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), Luật Ngân sách nhà nước (Luật số 89/2025/QH15) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật số 67/2025/QH15).
“Cú hích” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước
Theo đánh giá, các luật trong lĩnh vực tài chính vừa được ban hành đã góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý để nguồn vốn ngân sách được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, từ đó mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế cũng như đời sống người dân.
Bên cạnh nâng cao tính hiệu quả, khơi thông nguồn lực, các quy định mới cũng tăng tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể trong nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây sẽ là những yếu tố để Việt Nam ứng phó hiệu quả với các thách thức mới, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, phát triển xanh và nền kinh tế tuần hoàn.

Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh mẽ, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức lớn lao. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 chưa ổn định, trong khi những diễn biến địa chính trị phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu, áp lực chuyển đổi năng lượng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình.
Trong bức tranh đó, Việt Nam đã chọn con đường hành động, chủ động vượt lên thách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững. Một trong những giải pháp cốt lõi là hoàn thiện thể chế, trong đó, ngành Tài chính đóng vai trò tiên phong, tạo nền tảng pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khơi thông mọi nguồn lực.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là cuộc cải cách thể chế tài chính lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua, không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn, xung đột và chồng chéo giữa các luật mà còn tạo lập nền tảng pháp lý thống nhất, hiện đại cho việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, thúc đẩy phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện linh hoạt cho địa phương và doanh nghiệp.
Được kỳ vọng là “cú hích” lớn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, Luật số 68/2025/QH15 đã thể hiện định hướng đổi mới mạnh mẽ trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước, với nguyên tắc trao quyền chủ động, giảm can thiệp hành chính, phân định rõ vai trò nhà nước với vai trò của thị trường.
Luật số 68/2025/QH15 cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn mà còn với các tổ chức tín dụng Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.
Cùng với đó, các quy định mới khẳng định rõ Nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu theo cơ chế thị trường, minh bạch, hiệu quả, tách bạch quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, nguyên tắc căn bản của Luật là trao quyền cho chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đối với phần vốn góp như những nhà đầu tư thông thường khác, trao nhiều quyền tự chủ cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được quyền ban hành chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm. Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về hiệu quả; đồng thời có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư.
Doanh nghiệp cũng được trao quyền tự thông qua báo cáo tài chính hàng năm và tự quyết định vấn đề tiền lương, tiền thưởng. Đây được xem là bước tiến quan trọng để khơi thông nguồn lực, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tránh can thiệp hành chính không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế nhà nước.
Tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới
Tại cuộc họp lấy ý kiến vào 3 dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì diễn ra vừa qua, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty SNP; Viettel; PVN; EVN; VNPT; VNR; TKV; VEC; BECAMEX, SCIC, BIDV nhấn mạnh: Việc Quốc hội ban hành Luật số 68/2025/QH15 với tinh thần tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm là "luồng gió mới" tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Thiếu tướng Ngô Minh Thuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, việc ban hành Luật số 68/2025/QH15 cũng như sắp tới có các nghị định hướng dẫn thực sự là “luồng gió mới”, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Quốc hội ban hành đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, và Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Luật không chỉ tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua mà còn có nhiều điểm mới mang tính đột phá trong phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.
Để Luật đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện dự thảo các nghị định trên tinh thần tập trung tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định phân cấp, phân quyền và tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với việc phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, giám sát, tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh phải có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá và tầm nhìn chiến lược lâu dài; kiến tạo phát triển vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ chế phải đảm bảo cơ sở thực thi, phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những khó khăn vướng mắc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu phát triển.