Hành lang pháp lý mới, hút dòng vốn đầu tư chất lượng
Trong nỗ lực hoàn thiện thể chế và khơi thông dòng vốn đầu tư, loạt chính sách mới vừa được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 24/4, tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Luật số 57/2024/QH15 của Quốc hội và những chính sách mới về hoạt động đầu tư” nhằm làm rõ hành lang pháp lý mới, từ đó tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thu hút dòng vốn chất lượng và nâng tầm vị thế kinh tế quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật số 57/2024/QH15 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) trong việc hoàn thiện thể chế đầu tư tại Việt Nam.
Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch, đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả.
Thông qua hội thảo, ITPC kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin thiết thực, giúp cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt các điểm mới quan trọng như: Phân quyền cho UBND cấp tỉnh, cơ chế hỗ trợ đầu tư, quy trình điều chỉnh quy hoạch rút gọn, cũng như đơn giản hóa thủ tục đấu thầu.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết: Tranh chấp đầu tư liên quan đến phân cấp quản lý địa phương và dự án PPP đang có xu hướng gia tăng trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Châu Việt Bắc, phân cấp phân quyền cho địa phương liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ của các địa phương; dẫn đến hệ quả các bên phát sinh tranh chấp do chậm trễ hoàn tất thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.
Đối với các dự án PPP, dù Luật số 57/2024/QH15 mở rộng phạm vi và tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, việc thiếu cơ chế thực thi minh bạch tiềm ẩn rủi ro tranh chấp về điều khoản chấm dứt hợp đồng hoặc phân chia rủi ro.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Năm 2024 và năm 2025 là giai đoạn then chốt của quá trình cải cách thể chế đầu tư. Mục tiêu là tháo gỡ điểm nghẽn, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng hơn. Tư duy lập pháp cũng có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ “quản lý chặt, cấm đoán” sang “kiến tạo phát triển, thúc đẩy đầu tư”.
Trong năm 2024, hệ thống pháp luật đầu tư Việt Nam chứng kiến loạt điều chỉnh đáng chú ý như: Luật Đất đai sửa đổi bổ sung quy định về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt liên quan đến các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị. Các Luật Đấu giá tài sản và Đấu thầu làm rõ quy trình và tiêu chí lựa chọn dự án có sử dụng đất. Luật Đầu tư được bổ sung quy định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư và thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao và khu công nghiệp.
Song song đó, các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Chứng khoán cũng được cập nhật để đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được ban hành hồi tháng 11/2024, sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/07/2025, với nội dung quy định rõ ràng các loại quy hoạch và cách xử lý khi có mâu thuẫn giữa các cấp quy hoạch.
Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô. Dự kiến, nhiều luật quan trọng khác sẽ được sửa đổi hoặc ban hành mới như: Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học – Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Quảng cáo... Các sửa đổi này nhằm thể chế hóa chính sách ưu đãi đầu tư, thúc đẩy đấu thầu linh hoạt và mở rộng mô hình PPP trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Một điểm nhấn đặc biệt là đề xuất thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây được xem là bước đi chiến lược để Việt Nam thu hút các định chế tài chính toàn cầu. Trung tâm này sẽ thí điểm 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm ưu đãi về thuế, ngoại hối, ngân hàng, thị trường vốn và cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt. Các doanh nghiệp hoạt động trong Trung tâm được áp dụng mô hình công ty mẹ - con mà không cần thủ tục đầu tư rườm rà, đồng thời sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế.
Thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam kỳ vọng thu hút mạnh mẽ dòng vốn chất lượng cao, nâng tầm vị thế kinh tế - tài chính quốc gia trên bản đồ khu vực và toàn cầu.