Tìm giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước

Minh Đức

Giải pháp nào để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng thời gian tới là điều được nhiều chuyên gia quan tâm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước"
Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước"

Ngày 25/4, Tạp chí Nhà Đầu tư đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", nhằm tìm kiếm, gợi ý các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, nâng cao năng lực sản xuất, phân phối nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục Trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, xác định 3 nguồn động lực đóng góp chủ yếu là: tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm khoảng 60 - 65%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải tăng 12% - đây là con số rất thách thức. Thực tế, trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào con số này vượt mức 9%, chưa kể có giai đoạn tăng rất thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 là 9%, để đạt mục tiêu tăng 12% trong năm 2025, tức mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái” - ông Tuấn nói.

Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang đưa ra một số giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo đó, sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ trong nước, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa. Các chiến dịch sẽ được triển khai trên nhiều nền tảng, từ truyền hình, báo chí đến mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sẽ triển khai chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ. Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi sẽ được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.

Cùng với đó là giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa. Phối hợp với ngành Du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.

“Các giải pháp này sẽ góp phần tăng sức mua, củng cố niềm tin tiêu dùng, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trong nước”, ông Tuấn bày tỏ.

Liên quan phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, ông Trần Anh Thắng- Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả, tâm lý chi tiêu và kỳ vọng thị trường. Nếu vấn đề thuế quan được xử lý tốt, đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và định vị lại hàng Việt.

“Thuế quan Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Cụ thể, khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nếu nguồn cung và chất lượng đảm bảo. Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt” - ông Thắng nhận định.

Với vai trò điều phối thảo luận tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh: Cần xem xét thị trường nội địa là thị trường quan trọng, cơ bản, lâu dài. 

“Để phát triển thị trường nội địa nhất thiết phải có giải pháp đồng bộ, từ chính sách đối với tín dụng tiêu dùng, chính sách về thuế, trước mắt là các dự thảo luật thuế sẽ được trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới đây. Việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, nâng cấp kết cấu hạ tầng... cũng cần được chú trọng tích cực hơn” -  ông Tuấn đánh giá./.