Xây dựng xanh trong xu hướng phát triển hiện đại

Yến Tâm

Xây dựng xanh tại Việt Nam đang trở thành xu hướng quan trọng trong ngành Xây dựng, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Xây dựng xanh không chỉ chú trọng vào việc sử dụng vật liệu và công nghệ thân thiện với môi trường, mà còn tập trung vào việc giảm thiểu tác động của các công trình đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu.
Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu.

Ứng dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

Việc sử dụng các vật liệu tái chế như gạch không nung, bê tông từ chất thải xây dựng giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong đó, các vật liệu tự nhiên như: Đá, tre, gỗ tái chế và các vật liệu tự nhiên khác được sử dụng rộng rãi trong các công trình nhằm giảm thiểu khí thải và bảo tồn năng lượng. Cùng với đó, công nghệ bê tông siêu nhẹ giúp giảm trọng lượng của kết cấu, từ đó tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Các tòa nhà hiện đại tại Việt Nam đang dần lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để cung cấp nguồn năng lượng sạch. Mặc dù chưa phổ biến rộng rãi, một số dự án quy mô lớn đang tích hợp hệ thống gió hoặc các công nghệ năng lượng tái tạo khác.

Các khu đô thị như Ecopark, Gamuda City, và một số dự án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, và Hà Nội đang tập trung vào việc xây dựng môi trường sống trong lành gắn với không gian xanh lớn và các tiện ích thân thiện với môi trường.

Xây dựng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là mục tiêu dài hạn giúp Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính phủ cùng với các tổ chức và doanh nghiệp đang ngày càng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho các dự án xanh.

Thách thức trong ngành Xây dựng xanh tại Việt Nam

Mặc dù còn mới mẻ, nhưng lĩnh vực xây dựng xanh đang được nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam quan tâm và ứng dụng. Các công trình lớn như văn phòng, khu chung cư cao cấp, và các trung tâm thương mại đã bắt đầu tích cực áp dụng các tiêu chuẩn xanh.

Hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc xây dựng các công trình xanh, và một số dự án đã đạt chứng chỉ LEED hoặc LOTUS. Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích xây dựng xanh, như hỗ trợ tài chính và giảm thuế cho các công trình đạt tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, còn đó những thách thức trong ngành Xây dựng với nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Thứ nhất, mặc dù xây dựng xanh mang lại nhiều lợi ích lâu dài, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cho các công trình xanh vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam. Theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.

Thứ hai, thiếu nhân lực chuyên môn. Xây dựng xanh đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao về vật liệu, thiết kế và kỹ thuật thi công, điều này đang còn thiếu ở nhiều khu vực.

Thứ ba, nhận thức cộng đồng chưa cao. Mặc dù nhận thức về xây dựng xanh đang được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của xây dựng xanh đối với môi trường và sức khỏe. Nhận thức về “Công trình xanh" vẫn còn chưa chính xác. Hầu hết công trình xanh đều được mọi người hiểu phiến diện rằng “công trình xanh nghĩa là nhiều cây xanh". Tuy nhiên, ngoài kiến trúc xanh, công trình xanh phải đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu... đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.

Xu hướng phát triển xây dựng xanh tại Việt Nam

Xu hướng phát triển xây dựng xanh tại Việt Nam trong tương lai hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi các chính sách, công nghệ, và ý thức cộng đồng tiếp tục được cải thiện. Các hướng phát triển chủ yếu trong lĩnh vực này bao gồm: Ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

Công nghệ tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) bao gồm các tòa nhà thông minh với hệ thống quản lý năng lượng dựa trên IoT có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và nước trong thời gian thực. Hệ thống cảm biến thông minh điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và không khí tùy theo nhu cầu, giúp tiết kiệm năng lượng tối đa.

Tiếp đó, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời và các trạm phát điện từ năng lượng gió trên các tòa nhà đang là hướng đi bền vững. Các công trình xanh tương lai sẽ tập trung vào việc tự cung tự cấp điện năng, giảm phụ thuộc vào mạng lưới điện quốc gia. Với các nguồn năng lượng tái tạo từ hệ thống lưu trữ năng lượng ngày càng được ứng dụng rộng rãi, các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến như pin lithium-ion hoặc pin năng lượng mặt trời sẽ giúp các tòa nhà duy trì nguồn cung ổn định và bền vững hơn.

Cùng với đó, Chính phủ cần cung cấp các ưu đãi về thuế, chi phí giấy phép xây dựng, hoặc các gói vay ưu đãi cho các dự án xây dựng xanh. Điều này sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.  Hiện Việt Nam chưa có hệ thống đánh nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh".

Việc đưa ra các quy định bắt buộc cho một số loại công trình như bắt buộc các dự án lớn hoặc khu vực đô thị phải áp dụng tiêu chuẩn xanh sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện, giúp giảm tác động môi trường và tăng cường hiệu quả năng lượng.