Thúc đẩy hợp tác công - tư trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế "xanh"

Thanh Hằng

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế "xanh" như hiện nay, các bên cần xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, không chỉ giữa các doanh nghiệp tư nhân mà còn giữa khu vực công và tư.

Sáng 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận “Thúc đẩy công nghệ khí hậu: Vai trò của hợp tác công - tư” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra từ ngày 14-17/4.

Tham dự phiên thảo luận có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Chủ tịch kiêm CEO của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupta; Tổng giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) Sang-Hyup Kim; Phó Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành Ban Đối tác toàn cầu và Quan hệ đối ngoại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) Fatou Haidara; nhà sáng lập Công ty Thinkroom Catherine Young và CEO BUYO Bioplastics Đỗ Hồng Hạnh.

Các chuyên gia nêu cao vai trò của hợp tác công - tư trong phát triển nền kinh tế "xanh"
Các chuyên gia nêu cao vai trò của hợp tác công - tư trong phát triển nền kinh tế "xanh"

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, phiên họp “Thúc đẩy công nghệ khí hậu: Vai trò của hợp tác công - tư” không chỉ là cuộc thảo luận kịp thời, mà còn là một vấn đề cấp bách khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi, cùng sự hội tụ nhanh chóng của khí hậu, công nghệ và kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đề xuất 3 kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa công nghệ khí hậu. Thứ nhất, P4G cần phát huy hơn nữa vai trò đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, xem công nghệ khí hậu như động lực mới cho sự phát triển nhanh, bao trùm và bền vững. Các quốc gia có tiềm lực cần hỗ trợ các nước nhỏ và đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, năng lượng mới.

Thứ hai, cần tạo điều kiện để chuyển giao công nghệ một cách công bằng và dễ tiếp cận hơn. Chúng ta cần đầu tư vào hạ tầng đổi mới - như các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ sạch - đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ khí hậu thông qua vốn, cố vấn và mở rộng thị trường.

Thứ ba, cần điều chỉnh các nguồn tài chính toàn cầu phù hợp với mục tiêu phát triển ở cấp địa phương. Các đối tác quốc tế cần hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong nước và đảm bảo các giải pháp khí hậu được phát triển cùng với cộng đồng địa phương.

“Là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu rõ những rủi ro đang đối mặt. Nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội để chuyển mình, đổi mới và tiên phong. Đối với chúng tôi, việc chuyển đổi sang nền kinh tế "xanh" không chỉ là vấn đề sống còn, mà còn là con đường hướng tới khả năng thích ứng lâu dài, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định.

Trong phiên thảo luận, bà Fatou Haidara cho biết, UNIDO là cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và bao trùm. Trong sứ mệnh đó, biến đổi khí hậu đóng vai trò then chốt. “Khủng hoảng khí hậu là vấn đề toàn cầu, không thể do một cá nhân hay tổ chức nào tự mình giải quyết. Muốn đối phó hiệu quả, thế giới cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và các bên liên quan và khu vực tư nhân là một trong những đối tác quan trọng nhất”, bà Fatou Haidara nhấn mạnh.

Chia sẻ về thúc đẩy hợp tác công - tư tại các nước đang phát triển, Tổng giám đốc GGGI Sang-Hyup Kim cho hay, hợp tác cần được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi nỗ lực phát triển. Ngay từ khi thành lập, GGGI đã hướng tới sự khác biệt - hoạt động linh hoạt, sáng tạo và năng động hơn. Từ năm 2018, GGGI đã khởi động chương trình khởi nghiệp "xanh", dành một phần ngân sách cốt lõi của tổ chức để hỗ trợ các startup hoạt động trong lĩnh vực tăng trưởng "xanh" và tính đến nay đã hỗ trợ hơn 400 doanh nghiệp khởi nghiệp "xanh".

Bước sang năm 2024, GGGI bắt đầu mở rộng quy mô hỗ trợ, đặc biệt trong các lĩnh vực như hiệu quả năng lượng. Ví dụ, GGGI đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) để hỗ trợ các startup trong lĩnh vực này. Đến nay có hơn 10 startup nhận được hỗ trợ, trong đó có 6 đơn vị đang có mặt tại sự kiện hôm nay. “Không chỉ dừng lại ở đây, trong năm nay, GGGI còn phối hợp với KOICA, cơ quan viện trợ phát triển của Hàn Quốc để hỗ trợ các startup trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn. Sáng kiến này cũng nhận được sự đồng hành từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính Việt Nam”, ông Sang-Hyup Kim nhấn mạnh.

Đối với CEO BUYO Bioplastics Đỗ Hồng Hạnh, trong bối cảnh thế giới hiện nay, không thể hoạt động độc lập, mà các bên cần xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, không chỉ giữa các doanh nghiệp tư nhân mà còn giữa khu vực công và tư.

Do đó, bà Đỗ Hồng Hạnh đề xuất 3 hình thức hỗ trợ quan trọng với startup. Thứ nhất là tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư cổ phần (equity). Đây là lúc hợp tác công - tư đóng vai trò đa dạng hóa nguồn tài trợ, ví dụ như tài trợ dạng viện trợ (grant funding). Đây cũng là nguồn lực rất quý giá, đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghệ hay công nghệ khí hậu, nơi mà việc nghiên cứu phát triển (R&D) cần tầm nhìn dài hạn hơn là lợi nhuận ngắn hạn.

Thứ hai là tiếp cận thị trường. Lấy ví dụ từ BUYO, công ty nhận được nhiều giá trị khi tham gia vào các chương trình có sự phối hợp tổ chức giữa các đối tác công và tư, điển hình là chương trình hợp tác với 5 tập đoàn đa quốc gia lớn: AB InBev, Coca-Cola, Unilever, Colgate và Danone. Đây là cơ hội quý báu để BUYO được tiếp cận thị trường, thử nghiệm thương mại hóa sản phẩm. Không có những chương trình như vậy, startup giai đoạn đầu như BUYO sẽ khó tiếp cận chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn hay vươn ra thị trường toàn cầu.

Thứ ba là vận động hành lang. Vì công nghệ của các startup mang tính tiên phong, đôi khi thị trường chưa sẵn sàng hoặc chưa có quy định phù hợp. Việc truyền thông thị trường hay kết nối với cơ quan hoạch định chính sách là cực kỳ quan trọng. “Chúng tôi rất may mắn khi có sự đồng hành của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia (NSSC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. NSSC đã đóng vai trò cầu nối, giúp chúng tôi tiếp cận với các nhà làm chính sách, tạo ra một môi trường thuận lợi để công nghệ của chúng tôi có thể được áp dụng và phát triển”, bà Đỗ Hồng Hạnh nhấn mạnh./.